Tự học chụp ảnh sẽ gửi đến bạn chùm ảnh thiên nhiên đẹp nhất năm 2017 từ cuộc thi nhiếp ảnh quốc tế do Viện bảo tàng lịch sử quốc gia Anh Quốc tổ chức.
Wildlife Photographer of the Year (WPY) là một cuộc thi nhiếp ảnh thường niên về động vật hoang dã rất uy tín do Viện bảo tàng lịch sử Quốc gia (Anh) tổ chức. Khởi nguồn từ năm 1965, WPY thu hút đông đảo các nhiếp ảnh gia trên thế giới tham dự, nhằm đem đến cho công chúng những tấm hình tuyệt vời nhất về thế giới tự nhiên.
WPY 2017 là lần thứ 52 cuộc thi được tổ chức. Đã có rất nhiều bức ảnh đẹp được tham dự, và bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bức hình đẹp nhất ngay dưới đây.
Tuy nhiên, người thắng cuộc chỉ có một. Đó là Justin Hofman – nhiếp ảnh gia từ California.
Bức hình mô tả một con cá ngựa với chiếc đuôi đang cuốn chặt lấy một cái bông ngoáy tai. Hofman cho biết, anh đang khám phá các vùng nước xung quanh một hòn đảo tại Indonesia thì bắt gặp cảnh tượng này. Và dù tấm hình đem lại cho anh giải nhất, anh ước cảnh tượng ấy “chưa bao giờ xảy ra”.
Cụ thể, hòn đảo nơi bức hình được thực hiện là Sumbawa thuộc Indonesia. Khi đó, Hofman đang ở trong nước, và anh nhìn thấy một sinh vật bé nhỏ đang bám trong một đám rong biển.
Thế rồi gió nổi lên, và ngày càng có nhiều rác bẩn trôi đến vùng biển ấy. Còn chú cá ngựa, chú bị tuột… đuôi khỏi đám rong biển nên phải vội vàng bám vào một chiếc túi nhựa, rồi kế đó là chiếc bông ngoáy tai. Đó cũng là thời khắc đắt giá mà Hofman đã nhanh chóng nắm bắt.
Lý do Hofman đưa bức ảnh đến tham dự cuộc thi là vì anh cảm thấy mình cần có trách nhiệm, “đưa bức ảnh đến với càng nhiều người càng tốt” – trích chia sẻ của anh với tờ Washington Post.
Và có vẻ như Hofman đã thành công. Khi bức ảnh lọt vào chung kết, anh đăng nó lên Instagram và nhận được hàng ngàn lượt bình luận. “Tôi muốn mọi người chia sẻ cảm xúc khi nhìn thấy bức hình này” – anh giải thích. Và với việc được đăng trên trang chủ của WPY, bức hình sẽ được hàng triệu người trông thấy.
Được biết, theo như nghiên cứu trong năm 2015, trung bình có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa được thải ra ngoài các đại dương mỗi năm. Trong đó, Indonesia là một trong những thủ phạm chính, chịu trách nhiệm tới hơn 10% tổng số rác – tức 800.000 tấn.
Số rác này chắc chắn có tác động rất nhiều đến tự nhiên. Sinh vật sẽ nhầm rác nhựa với thức ăn, và thậm chí dự đoán đến năm 2050 đại dương sẽ còn nhiều rác hơn cá.
Với Hofman, anh chọn nhiếp ảnh để truyền đi một lời cánh báo về tình hình đại dương hiện tại và trong tương lai. Còn bạn, bạn sẽ làm gì?
Theo NationalGeogrphic – Nguồn kenh14.vn