Trong giai đoạn hậu kỳ của một bức ảnh, mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau tùy sở thích. Nhưng trong giới nhiếp ảnh thường dùng hai phần mềm sau cho giai đoạn này là Photoshop và Lightroom. Vậy nên sử dụng Photoshop hay Lightroom? Khi nào nên xài Adobe Photoshop và Lightroom nên được dùng khi nào?

Không có một câu trả lời nào chính xác hoàn toàn cả – tất cả phụ thuộc vào dự án mà bạn đang thực hiện. Dưới đây tự học chụp ảnh xin làm rõ sự khác biệt giữa 2 phần mềm để tự bạn rút ra cho bản thân khi nào và trong hoàn cảnh nào thì nên sử dụng Photoshop hay Lightroom.

Photoshop là gì?

Photoshop đồng nghĩa với chỉnh sửa hình ảnh. Ban đầu, Adobe tạo ra Photoshop với mục đích biến nó thành công cụ chỉnh sửa ảnh hiệu quả nhưng đơn giản. Sau đó, các tính năng của nó dần được phát triển và mở rộng để phù hợp với mục đích sử dụng của các nhà thiết kế đồ họa, kiến trúc sư hay các nhiếp ảnh gia.

Đây là một công cụ cực mạnh giúp việc chuyển hóa ý tưởng thành sản phẩm diễn ra dễ dàng và tối ưu. Photoshop là công cụ chỉnh sửa đến từng điểm ảnh, nghĩa là bạn có thể tiếp cận một cách tường tận nhất với những điểm màu tạo thành bức ảnh.

Lightroom là gì?

Đối với các nhiếp ảnh gia, Lightroom giống như một tập con của các tính năng trên Photoshop được làm riêng dành cho họ. Lightroom bao gồm phần lớn tất cả các công cụ xử lí hình ảnh mà bạn có thể cần tới.

Tuy nhiên, Lightroom không chỉ là một công cụ chỉnh sửa hình ảnh. Nó còn là một phần mềm quản lý file ảnh vô cùng hiệu quả. Lightroom giúp bạn import, tổ chức, quản lý và tìm kiếm hình ảnh. Có thể nói Lightroom là một công cụ chỉnh sửa và quản lý hình ảnh 2-trong-1.

Khác với Photoshop, Lightroom không phải là một phần mềm khó làm quen, bạn không cần phải lo lắng về nút “save as” khó chịu. Bởi vì thực tế Lightroom không có nút “save” nào cả. Tất cả những chỉnh sửa của bạn sẽ được lưu giữ tự động ở thư mục Lightroom catalog – nơi mọi dữ liệu về chỉnh sửa và lịch sử được giữ lại.

Khi nào tôi nên sử dụng Lightroom?

Nếu bạn chụp raw, tôi khuyên bạn nên chỉnh sửa với Lightroom. Nó có thể làm việc với file raw nên bạn không cần phải dùng tới Adobe Camera Raw. Khả năng quản lý hình ảnh sẽ là lý do khiến bạn chọn Lightroom trong trường hợp này.

Lightroom là công cụ tuyệt vời chi phần lớn các chỉnh sửa cơ bản như cắt, cân bằng trắng, độ sáng, thay đổi histogram, curves, xóa điểm, gradients, giảm noise hay vibrance và saturation. Nếu bạn đã quen sử dụng Adobe Camera Raw thì chỉnh sửa ảnh với Lightroom sẽ trở nên khá đơn giản.

Với Lightoom bạn có thể tạo các collections, thêm các keyword, xóa nhiều file khỏi ổ cứng, tạo slideshow, in ấn và chia sẻ hình ảnh trực tiếp lên Facebook. Bạn cũng có thể đồng bộ những chỉnh sửa của một ảnh cho nhiều ảnh bằng cách tạo ra các presets riêng.

Đặc biệt với những nhiếp ảnh gia chụp với số lượng lớn như đám cưới, kỉ yếu, chân dung, Lighroom là một công cụ tiết kiệm thời gian rất nhiều.

Vậy khi nào tôi nên sử dụng Photoshop?

Câu trả lời đơn giản có lẽ là khi bạn không dùng Lightroom được. Có những việc mà Photoshop vượt trội hoàn toàn so với Lightroom.

– Chỉnh sửa nâng cao: Nếu bạn muốn đánh khối sáng cho chân dung, làm mẫu gầy đi hay cao hơn, xóa chủ thể thừa ra khỏi bức ảnh, Photoshop thực sự cần thiết.

– Composites: Nếu bạn muốn kết hợp 2 hay nhiều hình ảnh lại với nhau để biến chúng thành một tác phẩm nghệ thuật, hãy dùng Photoshop.

– HDR: Dù có những plugins HDR có sẵn cho Lightroom như Photomatix, nhưng nếu bạn muốn kết hợp nhiều ảnh lại với nhau để làm việc nâng cao thì Photoshop làm tốt việc này.

– Panaroma: Với Photoshop, bạn có thể ghép nhiều ảnh lại với nhau để tạo thành một bức panaroma.

Vậy thì, tôi nên xài Photoshop hay Lightroom?

Không có câu trả lời nào là hoàn toàn chính xác cả. Tuy nhiên bạn có thể sử dụng cả hai vì chúng hợp nhất với nhau khá tốt. Nếu bạn đang bắt đầu trên con đường nhiếp ảnh, Lightroom là nơi để bắt đầu. Bạn có thể học thêm Photoshop sau đó.

Cả hai đều là những công cụ tuyệt vời để mang lại cho bạn những sản phẩm tuyệt vời nhất. Hãy tùy vào tính chất của dự án bạn đang thực hiện mà lựa chọn phần mềm nào để làm việc.

Theo Gerard Murphy – Nguồn swemag.net