Họa sĩ Dương Quốc Định từng đoạt khá nhiều giải thưởng ảnh nghệ thuật cả trong và ngoài nước. Với một người làm nghệ thuật, đó là sự ghi nhận đáng tự hào, nhưng với người họa sĩ tuổi gần 50 xuân xanh ấy, sự công nhận ở các cuộc thi tiếng tăm dường như chưa đủ để thỏa mãn đam mê
Trong một xã hội còn nhiều định kiến như Việt Nam, ảnh khỏa thân nghệ thuật (nude art) của Dương Quốc Định đã mang lại cái nhìn hoàn toàn mới mẻ cho người thưởng lãm. Cô gái nude hoàn toàn trong ảnh của anh không gợi cảm giác phô trương, dung tục, mà ngược lại, mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Anh thường nói rằng mình chụp ảnh bằng cảm xúc chứ không phải bằng đôi mắt đơn thuần.
* Anh nhìn nhận thế nào về các giải thưởng mà mình đã đoạt được?
– Hầu hết những người làm nghệ thuật đều muốn có các giải thưởng, huy chương để khẳng định tên tuổi của mình. Nhưng giải thưởng chỉ là đồng cảm của ban giám khảo trong lĩnh vực nghệ thuật, chưa hẳn là sự công nhận của cộng đồng.
Danh vọng có sự cám dỗ rất lớn và có thể bào mòn cảm xúc chân thật. Khi ham muốn được tạo một tác phẩm tuyệt vời bị thay thế bằng mục tiêu đoạt được một vài giải thưởng thì cảm xúc chân thật sẽ dần mất đi. Bỗng chốc, một điều quan trọng là người nghệ sĩ chỉ thành công khi tác phẩm đi vào lòng người có thể bị lãng quên.
Vài năm trở lại đây, tôi hầu như không tham gia vào cuộc thi nào. Tác phẩm của tôi đã tìm được giá trị lớn hơn là sự quan tâm, đón nhận của nhiều người.
Tôi chia sẻ tác phẩm của mình với bất kỳ ai quan tâm, yêu mến thể loại nude art. Tôi đang sống hết mình với một bộ môn nghệ thuật mà không nhiều người hiểu và công nhận, để kêu gọi sự đồng cảm và tìm hiểu về một bộ môn nghệ thuật đích thực, tránh sự nhầm lẫn, mập mờ giữa nghệ thuật nude với ảnh gợi dục tầm thường.
* Dễ thấy tất cả phụ nữ trong ảnh của anh đều rất đẹp nhưng hình như không ai trong số họ là những người mẫu tiếng tăm?
– Tôi từng gặp khá nhiều người mẫu có cơ thể hoàn hảo, tiếc là họ không biết tôn trọng cơ thể mình. Họ dễ dàng phô bày cơ thể trước ống kính với đôi mắt vô hồn.
Điều này chỉ phù hợp với nhu cầu lưu ảnh cá nhân hoặc gây sự chú ý cho những người tò mò, chứ không thể gọi là nude art. Và đó là điều tối kỵ trong ảnh của tôi.
Tôi đã từ chối chụp ảnh cho những người mẫu ấy dù họ sẵn sàng trả cho tôi nhiều tiền. Nhiều người cho rằng tôi khó tính, thực ra tôi chỉ tôn trọng công việc và tôn trọng người tôi chụp ảnh.
Tôi thường chọn những người phụ nữ vô tình gặp trong cuộc sống thường ngày. Họ là người có học thức, đạo đức, hiểu rõ về giới tính, quan trọng hơn là biết tôn trọng bản thân và hiểu cơ bản về nude art.
Các phần mềm xử lý ảnh có thể biến những đường nét chưa đẹp trở nên hoàn hảo, nhưng nét đẹp trong tâm hồn, sự thánh thiện thể hiện qua ánh mắt, qua biểu cảm trên nét mặt thì không gì có thể chỉnh sửa được.
Vì vậy, tôi thường phải mất cả năm trời trò chuyện, tìm hiểu và thuyết phục người mẫu. Trong thời gian đó, cảm xúc của người mẫu cũng đủ “dày” để thể hiện dễ dàng các nhân vật trong chủ đề do tôi đề ra.
* Người mẫu của anh hình như cũng không bị giới hạn bởi tuổi tác…
– Đúng vậy! Sự thay đổi về đường nét cơ thể do tuổi tác đối với tôi không quá quan trọng. Ảnh nude mà vợ tôi làm người mẫu ảnh đạt giải thế giới được tôi chụp năm cô ấy 40 tuổi và cơ thể cô ấy không còn những đường nét như xưa.
Nhưng tôi chụp đâu vì hình thể đơn thuần, mà vì tình yêu thương và sự tôn trọng. Nếu suy nghĩ của tôi cứ vướng bận về hình tướng thì làm sao có cảm xúc để chụp ảnh cho những cô gái không còn son rỗi.
Có một người mẫu mà tôi gắn bó đến ba năm, từ lúc cô ấy còn son, sau lấy chồng, có thai. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã thực hiện rất nhiều bộ ảnh. Đó là do khi cảm xúc còn, nét thánh thiện của người mẫu vẫn vẹn nguyên khiến tôi chụp mãi mà không hết nguồn cảm hứng.
* Đứng trước một cơ thể phụ nữ đẹp, liệu anh có những rung động nam tính?
– Cái nhìn, cảm xúc của người nghệ sĩ thể hiện rất rõ trong tác phẩm của anh ta. Một nghệ sĩ đứng trước một cô gái mà chỉ liên tưởng đến đường nét trên cơ thể với cảm nhận dục tính thì khó tạo được một tác phẩm hướng mỹ, hướng thiện.
Người xem có thể hồ hởi khi ngắm nhìn những đường nét hoàn hảo về hình thể của người mẫu, nhưng cái lưu lại là sự trong sáng, thánh thiện của cô gái, giống như hình ảnh một thiên thần tình yêu khỏa thân khiến cho kẻ phàm phu phải cúi đầu. Đời tôi có lẽ mắc nợ phụ nữ từ kiếp trước nên kiếp này luôn phải nghĩ về họ và đưa họ vào tranh ảnh.
* Mười năm chụp nude art đã đủ cho anh trả gần hết nợ chưa?
– Chưa đâu, có lẽ tôi phải trả hết đời. Tôi bắt đầu “trả nợ” từ khi còn học trung học.
Từ nhỏ, tôi đã vẽ chân dung thiếu nữ rất đẹp. Tôi thường vẽ cho nhiều cô gái trong trường và nhận được nhiều lời khen ngợi. Tuy nhiên, lúc đó tôi chỉ vẽ theo hình mẫu đúng với giải phẫu học, dưới ánh sáng tự nhiên chứ chưa thể gửi gắm thông điệp nào vào tranh. Về sau tôi mới biết cách dùng hình ảnh người phụ nữ để diễn tả cảm xúc về tình yêu, khát vọng, hoài niệm, ước mơ, tự do…
Thời trung học, tôi có một tình yêu rất đẹp. Khi nghe cô ấy hát bài Triệu đóa hồng cũng là lúc tôi bắt đầu yêu.
Quen nhau ba năm, tôi vẫn chưa dám nắm tay cô gái ấy một lần, chỉ thể hiện tình yêu qua nét chì mộc mạc. Cho đến bây giờ, cô ấy vẫn là người con gái đẹp nhất trong tôi và cảm xúc về mối tình đầu vẫn còn nguyên.
Cô ấy bất ngờ chia tay, khiến tôi nghĩ nguyên nhân là do mình nghèo. Tôi quyết tâm làm giàu để tự khẳng định mình. Đó là một sai lầm lớn vì tôi bắt đầu chạy theo những giá trị mà người khác đặt ra cho mình.
Tôi kiếm tiền một cách hăng say bằng các công việc quảng cáo, in lụa,… nhưng không bao giờ có được cảm giác thỏa mãn với nghề nghiệp. Tôi đã từng mất chục năm để theo đuổi những giấc mộng về danh vọng, giàu có. Có thời điểm, tôi gần như đạt được những điều mình mơ ước nhưng vẫn không có được hạnh phúc.
Đến khi lập gia đình, tôi rơi vào trạng thái “bất đắc chí” vì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Một người quen hướng dẫn tôi cách chụp ảnh và có lúc, tôi chỉ muốn trở thành một anh chụp ảnh thuê trong công viên để nuôi cả nhà.
Nhưng rồi tôi lại muốn chụp ảnh theo cách khác… Thế là tôi dùng chiếc máy rẻ tiền để chụp ảnh cho các cô gái trong quán cà phê, mang về chỉnh sửa rồi tặng lại cho họ.
Thật bất ngờ, họ cảm thấy thích thú và sẵn lòng sử dụng dịch vụ của tôi. Tôi mở studio nhưng vẫn luôn trăn trở về con đường mình đang đi…
Bỗng một nhân duyên đưa tôi đến gặp một vị thiền sư có tiếng tăm. Ngài đã giúp tôi nhận thức được đâu là giá trị của cuộc sống.
Tôi cũng nhận biết được đâu là cái đẹp để sở hữu và đâu là cái đẹp chỉ để tạo cảm xúc cho nghệ thuật. Tôi luôn biết tự nhắc mình làm chủ cảm xúc vì mình được người mẫu luôn trân trọng, vợ con luôn tin tưởng và sau nữa là để giữ gìn một quá trình mình đã xây dựng được.
Không thể vì một chút tham dục trước mắt mà hủy hoại tất cả. Chính nhờ vậy mà trong một xã hội còn nhiều định kiến như Việt Nam, tôi vẫn được gia đình nội, ngoại ủng hộ. Vợ tôi còn giúp tôi chọn người mẫu, chuẩn bị hậu trường giúp tôi chụp ảnh.
* Cô gái anh chụp nude art đầu tiên có phải là vợ anh?
– Không phải, đó là một cô gái làm ở tiệm hớt tóc cạnh nhà. Qua tâm sự, biết cô ấy có một chuyện tình rất buồn và tôi cảm nhận được ở cô sự nhọc nhằn của kiếp người, cái nghiệt ngã của kiếp hồng nhan.
Tôi trình bày ý tưởng và đề nghị cô làm người mẫu trong một bức ảnh nude. Cô ấy đồng ý và bộ ảnh Chất liệu sống ra đời. Những tấm ảnh về cô gái này cũng đoạt huy chương vàng trong cuộc thi ảnh nghệ thuật ở Ấn Độ, là kỷ niệm đầu tiên khi bước vào làng nhiếp ảnh của tôi.
Trong các buổi trò chuyện, người ta hay hỏi tôi về cách chụp ảnh nude sao cho không khơi gợi yếu tố nhục cảm. Tôi trả lời rằng dù là ảnh nude hay bất kỳ dạng ảnh nào, hãy chụp cái mình cảm nhận được chứ không phải cái mình thấy.
Nghệ thuật là một thứ cảm xúc không bị giới hạn bởi vật chất. Nếu chụp một tấm ảnh thiếu cảm xúc thì đó là sản phẩm của cái máy ảnh chứ không phải là tác phẩm của người nghệ sĩ.
Máy ảnh với tôi chỉ là một công cụ để thể hiện cảm xúc. Ngày xưa tôi vẽ bằng bút chì, cây cọ, nay tôi sử dụng máy ảnh, tất cả chỉ là phương tiện để thể hiện tâm hồn, tình cảm của người nghệ sĩ.
Tôi thường nói với học trò là dù theo bất cứ ngành nghệ thuật nào, các em cũng phải học cách buông bỏ những giới hạn về tiền bạc, vật chất, nên hướng thiện, hướng mỹ và sống bằng những cảm xúc chân thật của mình. Nude art là một môn nghệ thuật không dễ dàng, muốn chụp được thì phải cần có nhiều trải nghiệm.
* Nếu cần nhiều trải nghiệm thì liệu người trẻ có chụp được nude art?
– Nghệ sĩ trẻ cần tránh chạy theo trào lưu, đồng thời phải chịu khó tìm hiểu, nghiên cứu sâu về nude art. Nếu người nghệ sĩ mơ hồ nghĩ nude art là chụp ảnh phụ nữ khỏa thân thì tác phẩm tạo ra chỉ cho người xem sự tò mò về nhục tính chứ khó cho ra nghệ thuật đích thực.
Người muốn chụp nude art cần có kiến thức và kinh nghiệm về giải phẫu học cơ thể, tiêu chuẩn vàng cơ thể, về tranh Phục hưng, ngôn ngữ hình thể… mới có độ dày tác phẩm.
Ảnh nude art thường cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, trân trọng, yêu thương chứ không phải cảm giác sở hữu. Người mẫu của tôi có sự tôn trọng, tin tưởng người cầm máy nên có thể trút bỏ y phục trong sự thấu hiểu, hãnh diện và tự hào.
Giác ngộ về Phật giáo đã cho tôi sự thức tỉnh để chiến thắng sự ham muốn. Người làm nghệ thuật nude cũng như vẽ trên cơ thể (body painting) đều cần một cái tâm trong sáng.
Tuy họa tiết luôn có sẵn trong đầu họa sĩ nhưng việc vẽ trên cơ thể tạo một cảm xúc hoàn toàn khác. Cây cọ đụng đến những nơi nhạy cảm trên cơ thể người mẫu hẳn không giống một tờ giấy vô tri vô giác. Người mẫu mà không tin tưởng và toàn tâm toàn ý thì không thể nào thực hiện nổi.
* Có trường hợp nào người mẫu nảy sinh tình cảm với anh?
– Có chứ, đó là tình cảm tự nhiên khi hai tâm hồn đồng điệu. Và đó cũng là giai đoạn thăng hoa nhất để có thể thể hiện tác phẩm thành công.
Với những người ấy, có lẽ một ngày tôi phải chụp được mấy bộ ảnh, khác với những người cả năm mới chụp được một bộ duy nhất. Tuy nhiên, như tôi đã nói, người nghệ sĩ cần sự kiên định, không nên để sắc dục tha hóa. Tôi thường đối diện với người mẫu để phân định rõ ràng chứ chưa từng sa ngã và cũng không trốn tránh tình cảm của họ.
Giống như khi gặp một bông hoa đẹp ven đường, tôi sẽ ngắm nhìn cánh hoa trong không gian đẹp vốn có để lưu lại hình ảnh của nó trong đầu mãi mãi chứ không ngắt nó ra khỏi cảnh vật. Chính lòng tham của con người muốn sở hữu một bông hoa đẹp khiến nó tàn héo rất nhanh.
Với phụ nữ cũng vậy, tôi yêu thích phụ nữ bằng cảm xúc đẹp và trân trọng nhưng chỉ ngắm và lưu lại hình ảnh, không có ý muốn chiếm hữu vì nó có thể làm mất đi gia đình, hạnh phúc và sự nghiệp mà tôi đã gầy dựng suốt bao nhiêu năm qua.
* Tác phẩm sen của anh bán rất chạy, nhưng nhiều người cảm thấy tiếc vì anh chưa bán tác phẩm nude art nào?
– Sen hay bất cứ sự vật gì trong cuộc sống đều có những giá trị, vẻ đẹp riêng. Có điều, chúng ta phải dành cảm xúc cho nó thì mới thấy nó đẹp.
Mỗi người có cách chụp ảnh sen khác nhau do tình cảm, tư tưởng khi đứng trước vật thể không giống nhau. Tác phẩm nhiếp ảnh khác với ảnh dịch vụ cũng vì sự ghi nhận xúc cảm chứ không phải chụp một cách vô thức hời hợt hay bị giới hạn bởi một hợp đồng trước đó.
Những năm gần đây, hầu như tôi không nhận chụp dịch vụ nữa, mà chỉ bán ảnh hoa sen cho Vietnam Airlines, cho Tập đoàn Hoa Sen, các phật tử, doanh nhân hay những người thích tranh sen. Tôi thấy nguồn thu nhập đó đã đủ cho cuộc sống.
Còn tôi chụp ảnh nude art là nhằm thỏa mãn đam mê và được cộng đồng công nhận. Đó là những giá trị mà tôi đã có được chứ không phải để kiếm tiền.
Khi nào chúng ta chấp nhận được và đánh giá đúng về nude art thì có lẽ tôi cũng… không còn! Hợp đồng chụp ảnh giữa tôi và người mẫu cũng đã quy định rõ ràng, nếu may mắn tác phẩm của tôi được công nhận và tôn vinh thì người mẫu sẽ nhận được phần lớn giá trị bán tranh. Còn tôi vẫn mong về một triển lãm nude art đúng nghĩa dành cho các tác phẩm của mình, không quan trọng là ở thời điểm tôi còn trên cõi đời này hay không.
* Mới gần 50 tuổi, anh còn quá trẻ để nghĩ đến việc để lại di chúc?
– Không ai nói trước được điều gì. Hôm nay đang sống khỏe nhưng ai biết được liệu ngày mai có còn không. Chính vì vậy, tôi luôn cố gắng thực hiện những gì có thể trong hôm nay, nếu để đến ngày mai biết đâu đã muộn.
Cuộc đời tôi đến thời điểm này hầu như không có gì để hối tiếc cả. Tôi có một mối tình đầu thật đẹp để nhớ, một người vợ chân thành để yêu thương và những người phụ nữ có tâm hồn đẹp để trân trọng đặt vào tác phẩm.
Tôi đã may mắn đi theo con đường hội họa, hy sinh khá nhiều nhưng cũng được sống hết mình với cảm xúc. Đến thời điểm này, tôi có thể làm những điều tôi muốn, đi đến đâu tôi thích. Tôi không bao giờ cảm thấy thiếu tiền, mà luôn cảm thấy mình giàu có với những tình cảm yêu thương tôi đang có từ gia đình, bạn bè, học trò…
* Việc dạy học không lấy tiền của anh phải chăng cũng là cách cho đi “sự giàu có” của mình?
– Đúng vậy! Hạnh phúc của tôi hiện nay là cống hiến chứ không phải bán kiến thức vì tôi đã có cuộc sống đầy đủ, đâu cần kiếm thêm nhiều tiền. Học trò theo tôi vì muốn lĩnh hội cả tinh thần làm nghề chứ không phải chỉ là những kỹ năng sách vở. Đây là những cái tôi có sẵn và có thể truyền cho các em, không cần trả công.
Tôi thường dạy các con là chúng ta phải biết chia sẻ với người khốn khó, bất hạnh hơn mới biến những giá trị vật chất, tiền bạc thành niềm hạnh phúc. Với nghệ sĩ hay doanh nhân, quan niệm này cũng không khác nhau.
Thành công của doanh nhân luôn cần có nhiều người dưới quyền giúp sức nên anh ta phải đáp trả những giá trị mà nhân viên mang lại bằng tấm lòng yêu thương và giá trị tiền bạc xứng đáng, nếu không anh ta chỉ là kẻ bóc lột. Trong xã hội chúng ta hiện nay cũng vậy, sự chia sẻ hạnh phúc là cách để tạo nên một xã hội thịnh vượng, bền vững.
Vợ tôi trước đây từng không đồng ý với cách sống, cách suy nghĩ của tôi nhưng theo thời gian, cô ấy đã dần nhận ra những giá trị hạnh phúc thật sự khi sống với chồng mình. Cô ấy cũng sống vui vẻ hơn với công việc thiện nguyện mỗi ngày.
Vợ chồng tôi cố gắng chia sẻ những gì mình đang có cho người thiếu thốn hơn để cùng nhau hạnh phúc. Chúng tôi hiểu rằng cho đi hạnh phúc là nhận lại hạnh phúc lớn hơn…
* Cảm ơn anh về những chia sẻ thật thú vị!
Nguồn vuanhiepanh.vn