Ánh sáng và hiệu ứng ánh sáng là một trong những nhân tố tạo nên một bức ảnh đẹp. trong bài viết này tuhocchupanh.com sẽ giúp bạn tìm hiểu về nhân tố này.
Ngay cả khi bạn chụp cùng một chủ thể không đổi nhưng hình ảnh thể hiện có thể thay đổi rất lớn vì ánh sáng. Điều này xảy ra vì góc và cường độ ánh sáng ảnh hưởng đến sự phơi sáng và cách tạo đổ bóng trong ảnh. Hãy xem hai yếu tố góc chiếu sáng và vị trí của chủ thể kết hợp tạo nên sự khác biệt như thế nào đối với kết quả hình ảnh chụp được.
Nhìn chung, góc của ánh sáng được chia thành ba loại.
1. Ánh sáng thuận
Ánh sáng thuận chiếu sáng chủ thể từ phía trước (mặt bên máy ảnh).
Vì chủ thể bị phơi trực tiếp ra ánh sáng nên màu sắc và hình dạng của chủ thể được tái hiện rõ ràng và chính xác. Loại ánh sáng này thích hợp để chụp phong cảnh, tái hiện bầu trời xanh và cây cối rực rỡ sống động.
2. Ánh sáng bên
Ánh sáng bên chiếu sáng chủ thể từ một bên
Loại ánh sáng này có khuynh hướng đổ bóng rõ ràng lên chủ thể, tạo sự tương phản mạnh mẽ giữa vùng sáng và vùng tối. Loại ánh sáng này thích hợp nhất với ý đồ tạo chiều sâu cho ảnh bằng cách thêm bóng đổ vào chủ thể.
3. Ánh sáng ngược
Ánh sáng ngược chiếu sáng chủ thể từ phía sau.
Bằng cách chụp với ánh sáng ngược, bạn có thể làm cho bức ảnh chụp thức ăn trông hấp dẫn hơn hoặc tạo không khí nhẹ nhàng cho một bức chân dung. Nhưng mặt khác, vì ánh sáng mạnh lọt vào ống kính nên chủ thể có khuynh hướng trở nên tối. Trong trường hợp đó, hãy dùng tính năng bù phơi sáng để chỉnh độ sáng tối của chủ thể theo ý thích.
Hiểu được hiệu ứng ánh sáng đối với chủ thể được tái hiện như thế nào, bạn có thể chụp ảnh giống với hình ảnh thật ngoài đời nhiều hơn.
Chẳng hạn như, khi bạn chụp trong nhà vào ngày nắng rực rỡ, bạn nên sử dụng hiệu quả ánh sáng lọt qua khung cửa sổ. Nếu bạn đứng quay lưng ra cửa sổ, bạn có thể chụp thuận sáng. Nếu bạn đặt máy ảnh đối diện với cửa sổ, bạn có thể chụp ngược sáng. Để chụp thức ăn hay hoa cỏ trong nhà, bạn nên dùng cách chụp ngược sáng.
Theo sony.net