Vào các dịp lễ bạn có thường đi xem bắn pháo hoa không? Những bức ảnh chụp pháo hoa đẹp chắc hẳn sẽ giúp giây phút đó của bạn thêm phần ý nghĩa. Tự học chụp ảnh sẽ chia sẻ với bạn những kinh nghiệm và mẹo hay để chụp ảnh pháo hoa đẹp, cho dù lúc đó bạn không thể mang theo chân máy.
Các bước chuẩn bị
Để có thể chụp được những bức ảnh pháo hoa đẹp, bạn cần chuẩn bị một số việc sau:
– Sạc pin, xóa ảnh cũ trong thẻ nhớ, mang theo pin phụ và thẻ nhớ dự phòng có dung lượng lớn. Chụp pháo hoa nói chung sẽ khá tốn thẻ nhớ vì bạn sẽ phải chụp khá nhiều kiểu mới có được một vài bức ưng ý. Ngoài những nguyên nhân chủ quan như máy ảnh bị rung hoặc thời khắc chụp chưa đẹp, góc chụp chưa ổn, màu sắc ánh sáng bị sai lạc, dư sáng hoặc thiếu sáng…, còn có những nguyên nhân khách quan như gió thổi quá mạnh, có ai đó đi lạc vào khuôn hình của bạn, hoặc có người huých vào tay bạn lúc đang chụp… Nói chung bạn nên chuẩn bị kỹ khâu này để tránh rủi ro.
– Đến sớm để tìm vị trí chụp tốt. Vị trí chụp pháo hoa tốt phải không có vật cản phía trước, có điểm tựa (một gốc cây chẳng hạn) để bạn có thể dựa người vào đó, hoặc có nơi để bạn đặt/tì máy lên, phía trước có hồ nước sẽ rất tốt cho việc chụp hình ảnh pháo hoa phản chiếu dưới nước, có thể hơi biệt lập một chút để tránh bị người khác chen lấn khi bạn đang chụp. Bạn cũng nên chọn một điểm chụp không bị ảnh hưởng bởi ánh đèn đường để tránh tác động tới quá trình phơi sáng. Hãy sáng tạo bằng cách chọn những điểm chụp khác lạ. Xem hướng gió để chọn vị trí đầu gió nếu không muốn khói pháo lạc vào ảnh chụp của bạn…
– Nên đi cùng một người bạn để giúp cản trở đám đông chen lấn vào vị trí chụp ảnh của bạn.
– Chụp ảnh pháo hoa đòi hỏi phải phơi sáng lâu và điều này dễ gây rung máy nên tốt nhất vẫn là chụp với một chiếc chân máy, nếu đặt chỗ được tại một quán café nơi có thể chụp ảnh pháo hoa thì bạn nên mang theo chân máy. Nếu chụp ở nơi có nhiều ánh sáng xung quanh như quán café, bạn nên mang theo dụng cụ che ống kính.
– Thiết lập sẵn các thông số máy ảnh phù hợp với chụp ảnh pháo hoa.
Các thiết lập để chụp ảnh pháo hoa đẹp
1. Sử dụng tốc độ màn trập chậm
Tốc độ màn trập chậm (thời gian phơi sáng kéo dài) sẽ mang lại cho bạn những vệt sáng ngoạn mục của pháo hoa, đồng thời bạn sẽ chụp được cùng lúc nhiều bông pháo hoa trong một bức ảnh duy nhất.
Nếu bạn không mang theo chân máy, hãy đặt thời gian phơi sáng khoảng 1/2-4 giây, nếu nhiều hơn 4 giây thì máy ảnh sẽ có nguy cơ bị tác động từ những chuyển động rất nhỏ như hơi thở của bạn, và do đó hình ảnh có thể bị nhòe không như ý.
Nếu bạn mang được chân máy theo, bạn có thể thử một tốc độ màn trập chậm hơn, nhưng hãy nhớ dùng một miếng vải đen hoặc áo thun để che ống kính trong quá trình phơi sáng, tránh để ảnh bị dư sáng hoặc nhiễu do tác động từ các nguồn sáng khác xung quanh. Sử dụng chế độ hẹn giờ chụp hoặc dùng dây bấm mềm nếu bạn muốn tăng thời gian phơi sáng.
2. Sử dụng một khẩu độ nhỏ
Sử dụng một khẩu độ nhỏ (trong khoảng giữa f/8 và f/16) có nghĩa là máy sẽ cho phép ít ánh sáng được đi qua ống kính. Kết quả là, các màu sắc trong các màn trình diễn pháo hoa được lưu lại khi phơi sáng.
Nếu bạn sử dụng một khẩu độ lớn hơn, nó sẽ ảnh hưởng đến độ phơi sáng của bức ảnh, làm cho màu sắc của các vệt sáng từ pháo hoa bị mất màu và biến thành màu trắng, đồng thời làm cho ảnh bị dư sáng bởi các nguồn ánh sáng khác, chẳng hạn như ánh sáng đèn đường.
3. Chụp ở ISO 100
Chụp ở ISO thấp không chỉ cho phép bạn giữ cho bức ảnh nằm trong mức phơi sáng mà bạn đang tìm kiếm khi điều chỉnh khẩu độ và màn trập, mà còn loại bỏ được những phần nhiễu khó chịu ra khỏi hình ảnh chụp với ánh sáng thấp của bạn.
Đây là phương pháp kết hợp các yếu tố phơi sáng khá hiệu quả, mang lại nhiều bức ảnh pháo hoa ưng ý nhất. Bạn cũng có thể pha trộn các yếu tố đó nếu thấy phù hợp, nhưng nếu bạn bắt đầu nhận thấy màu sắc bị sai lệch hoặc bạn không nhận được đầy đủ độ dài của những vệt sáng pháo hoa, việc quay trở về với các cài đặt ISO 100, f/16 và 4 giây chắc chắn sẽ mang lại kết quả tốt.
Lưu ý đừng chọn chế độ Auto ISO vì máy ảnh sẽ có xu hướng chọn ISO cao khi cảnh xung quanh đang tối và điều này có thể làm hỏng bức ảnh của bạn.
4. Tắt đèn flash
Hãy tắt đèn flash khi chụp pháo hoa. Đèn sẽ làm hỏng các vệt ánh sáng tuyệt đẹp của pháo hoa.
5. Hãy tìm cách chụp ở góc rộng
Hầu như tất cả các bức ảnh pháo hoa đẹp thường được chụp ở góc rộng (wide angle, với chỉ số tiêu cự ngắn), cho phép chụp được các vệt sáng đi lên từ mặt đất và sau đó nở bừng trên bầu trời. Khi không dùng chân máy, chụp ảnh ở góc rộng sẽ giúp giảm thiểu các chuyển động gây rung máy, điều mà các bức ảnh chụp xa (telephoto) khó tránh khỏi.
Vì vậy, khi bạn tìm kiếm một địa điểm thuận lợi để chụp ảnh, hãy suy nghĩ về những gì sẽ có trong tầm ngắm ở thiết lập góc rộng trên ống kính của bạn. Nếu mọi người kéo đến ngày càng đông, bạn cần phải sớm tìm được một chỗ đứng tốt để đảm bảo sẽ không có gì chen vào khung hình khi pháo hoa bắt đầu bắn.
Tất nhiên, nếu bạn có một chân máy, bạn có thể thử phóng to và chụp một số ảnh cận cảnh để có hiệu ứng khác cho ảnh, nhưng các thiết lập phơi sáng nói chung vẫn không đổi.
6. Đặt máy ở chế độ M (Manual)/Av/Fireworks/Landscape
Chế độ M sẽ cho phép bạn chủ động điều chỉnh các thông số chụp.
Tuy nhiên nếu máy ảnh không hỗ trợ chế độ này, bạn có thể chọn chụp theo chế độ ưu tiên khẩu độ (Av) hoặc chế độ chụp Landscape. Khá nhiều máy ảnh hiện nay có chế độ chụp pháo hoa (Fireworks), hãy thử dùng để so sánh hiệu quả, nhưng tốt nhất nên để chế độ M sẽ cho bạn những hình ảnh sáng tạo hơn.
7. Bật chế độ chống rung, giảm nhiễu
Nếu máy ảnh hoặc ống kính của bạn có hỗ trợ các tính năng như chống rung, giảm nhiễu, hãy bật lên.
8. Cài đặt lấy nét bằng tay
Bạn nên lấy nét bằng tay chứ không dùng chế độ tự động lấy nét của máy vì lấy nét tự động không thích hợp khi chụp ảnh pháo hoa.
9. Giữ máy thật chắc
Do bạn đang cần phơi sáng lâu, bạn cần giữ máy thật chắc trong suốt thời gian 4 giây đã nói ở trên, nếu không hình ảnh của bạn sẽ bị nhòe. Xem thêm mẹo chụp pháo hoa không dùng chân máy phía dưới.
10. Dùng chế độ hẹn giờ/dây bấm mềm
Nếu mang được chân máy theo, bạn cần cài đặt máy ảnh ở chế độ hẹn giờ chụp hoặc dùng dây bấm mềm, nhằm giảm tối đa sự rung máy.
11. Để có ảnh pháo hoa đẹp
– Các ảnh chụp dọc sẽ rất tốt để mô tả một bông pháo hoa bắn vụt lên từ dưới đất và nở bừng trên bầu trời, nhưng để chụp cùng lúc nhiều bông pháo hoa thì nên chụp ngang máy.
– Pháo hoa thường bắn dồn dập và đẹp nhất vào những phút cuối cùng, vì thế hãy đừng để máy bị hết pin hoặc hết thẻ nhớ trước khi chương trình kết thúc.
– Mặt nước, các tòa nhà và cảnh quan xung quanh cũng là những chi tiết thú vị cho ảnh chụp pháo hoa của bạn, vì thế hãy đừng chỉ hướng máy lên trời và chụp những bông pháo hoa. Hãy thử chụp vài kiểu với các đối tượng khác ở tiền cảnh và pháo hoa ở hậu cảnh.
– Tương tự, hãy chụp bóng đổ (sihouette) với những bóng người xem pháo hoa ở tiền cảnh
– Nếu chụp người xem pháo hoa hoặc bạn bè đi cùng, hãy dùng đèn flash.
Các mẹo để chụp pháo hoa không dùng chân máy
Rõ ràng chụp pháo hoa với một chân máy ảnh (tripod) sẽ rất tốt, nhưng nếu bạn không thể mang theo chân máy, hãy thử một số cách sau:
– Tìm một thứ gì khác thay cho chân máy: một bờ tường, một bệ ban công, lan can cầu hoặc thậm chí chiếc ba lô bạn mang theo người…, sao cho có thể đặt máy vững trên đó.
– Tìm một điểm tựa cho chính bạn để tựa người, tì tay, mục đích là để giúp bạn giữ máy chắc tay hơn trong suốt thời gian phơi sáng.
– Khi không có chân máy, đừng mạo hiểm với thời gian phơi sáng quá 4 giây
– Bạn có thể ngồi xuống đâu đó, ví dụ trên một chiếc ghế đá ven hồ, kê thêm một vật gì đó lên đùi và đặt máy ảnh lên, tư thế này sẽ giúp máy ổn định hơn.
– Khi không có điểm tựa nào và cũng không có chỗ để ngồi xuống, bạn hãy đứng thật vững, hai chân dang rộng hơn vai, và thay vì đưa máy ảnh lên ngang tầm mắt để ngắm qua ống kính, hoặc nhìn qua màn hình LCD, bạn hãy giữ máy chặt và tì vào ngực, hướng ống kính lên phía pháo hoa. Ở tư thế này bạn không ngắm được ảnh chụp nhưng lại có thể thưởng thức những bông pháo hoa trên trời. Bạn sẽ phải chụp nhiều kiểu ảnh khác nhau, mỗi lần chụp hãy cố gắng nín thở trong thời gian máy thực hiện phơi sáng (chỉ vài giây thôi mà), ngay cả việc nhấn nút chụp cũng phải thật nhẹ nhàng nhé. Hãy chụp vài kiểu rồi mới kiểm tra ảnh một lần để điều chỉnh lại các thông số chụp nếu cần. Bạn cũng nên chụp ở nhiều khẩu độ và tốc độ khác nhau để sau cùng có thể chọn ra những bức ảnh đẹp nhất.
Nguồn vuanhiepanh.com