Tự học chụp ảnh xin chia sẽ đến bạn cách tạo hiệu ứng ảnh từ việc điều khiển màn trập máy ảnh của bạn. Khi nói về Tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh, điều đầu tiên chúng ta sẽ nghĩ tới là mối quan hệ của nó với Khẩu độ. Tốc độ màn trập là một trong 3 thành tố của Tam giác phơi sáng (Khẩu độ, ISO, Tốc độ màn trập) để giúp người chụp có được bức ảnh với ánh sáng hoàn hảo.
Để hiểu và làm chủ được Tốc độ màn trập có lẽ là công việc đơn giản nhất nhưng cũng đầy thách thức trong Tam giác phơi sáng này. Với mỗi thiết lập khác nhau, tốc độ màn trập có thể giúp cho người chụp tạo ra những hiệu ứng rất khác nhau.
“Bảng tham khảo Tốc độ màn trập” dưới đây đã tổng hợp và mô tả rất rõ các hiệu ứng mà tốc độ màn trập có thể tạo ra với từng thiết lập cụ thể.
GIẢI THÍCH VỀ CÁCH ĐỌC BẢNG TỐC ĐỘ MÀN TRẬP
Full Stop, 1/2 Stop, 1/3 Stop
Chúng ta đều biết tam giác phơi sáng có thể ảnh hưởng thế nào đối với ánh sáng của từng bức ảnh. Và trong một khoảng thời gian rất dài, công thức dành cho Tam giác này rất đơn giản, nếu bạn thay đổi tốc độ màn trập từ 1/200s xuống 1/100s, bạn nhận được gấp đôi ánh sáng vào film hay cảm biến (1 stop – full stop). Bạn mở màn trập lên gấp đôi thời gian, bạn nhận được gấp đôi ánh sáng.
Tuy nhiên với sự xuất hiện của triều đại máy ảnh số, chúng ta không bị giới hạn bởi tốc độ màn trập như vậy nữa. Nhiều chiếc máy ảnh cho phép chúng ta thay đổi tốc độ màn trập một nửa (1/2 stop) hay một phần ba (1/3 stop). Bảng Tốc độ màn trập giúp bạn có thể tính toán sự phơi sáng chính xác và dễ dàng hơn.
Tốc độ màn trập an toàn (Safe shutter speed)
Khi bạn có đối tượng chuyển động trong khung hình của mình, điều quan trọng là bạn phải thiết lập tốc độ màn trập chính xác để có được bức ảnh rõ nét. Tốc độ màn trập an toàn giúp chúng ta mường tượng ra thiết lập an toàn để có được bức ảnh chuẩn nét. Bạn có thể thấy với tốc độ thấp hơn 1/100s, đây là khu vực không an toàn để có được bức ảnh chuẩn nét với những đối tượng chuyển động.
Ánh sáng (Light)
Đây là mô tả đơn giản về sự tương quan giữa giá trị tốc độ và lượng ánh sáng đi vào cảm biến. Tốc độ càng nhanh, ánh sáng đi vào cảm biến càng ít và ngược lại.
Thể loại chụp
– Chim đang bay (Birds in Flight) 1/2000
Khi các nhiếp ảnh gia chụp về chủ đề thiên nhiên hoang dã, để bắt được một chú chim đang bay được đúng nét, họ thường phải sử dụng tốc độ màn trập rất cao ở mức 1/2000s. Một cách khác của kỹ thuật này là sử dụng tốc độ 1/400s, khi đó toàn thân chú chim sẽ đúng nét còn phần cánh sẽ bị mờ. Đây là một cách sử dụng sáng tạo đối với chủ đề này.
– Thể thao (Action sports) 1/500s – 1/1000s
Bạn sẽ không cần một tốc độ quá cao khi chụp một vận động viên chơi golf, nhưng với bất kỳ một môn thể thao nào có chuyển động nhanh và cần phải để ý từng động tác của người chơi, bạn sẽ cần một tốc độ chụp tương đối. Ví dụ như chụp vận động viên xe đạp, hay chụp đứa nhóc nhà bạn chơi đá bóng, bạn sẽ cần một tốc độ trong khoảng từ 1/500s đến 1/1000 để có được bức ảnh chuẩn nét.
– Ảnh đường phố 1/250 – 1/500
Thông thường, ảnh đường phố luôn bao gồm các chuyển động liên tục. Bạn thường thấy người đi bộ tiến về phía bạn, hay băng qua đường. Bạn nhìn thấy xe đạp di chuyển, những người gánh hàng rong, những chú chim bồ câu bay hay đậu… và còn rất nhiều chủ thể khác nữa. Tốc độ màn trập là điều tối quan trọng, để có được bức ảnh vừa đủ sáng, vừa phải tránh cho chủ thể bị nhoè là điều tối cần thiết với đa phần ảnh về đường phố.
– Ảnh phong cảnh 1/125 – 1/4
Thật khó để xác định tốc độ màn trập dành cho ảnh phong cảnh, nó còn phụ thuộc vào việc bạn chụp bằng tay hay sử dụng tripod. Tốc độ trong khoảng 1/8 hay 1/4 hoàn toàn có thể chấp nhận được nếu sử dụng tripod, còn nếu sử dụng bằng tay, chắc chắn bạn sẽ cần phải đẩy tốc độ lên nhanh hơn nữa để có được bức ảnh đúng nét.
– Panning 1/15 – 1/60
Panning là một kỹ thuật chụp rất thú vị, và nắm bắt được tốc độ phù hợp là điều rất cần thiết. Sử dụng một tốc độ màn trập thấp và đủ lâu (1/15 – 1/60), kèm theo việc đuổi nét (tracking) với chủ thể chuyển động (oto hay xe máy) giúp chúng ta tạo hiệu ứng chỉ có chủ thể đúng nét còn môi trường xung quanh thì hoàn toàn bị mờ đi.
– Thác nước hay những dòng nước chảy nhanh 1/8 – 2 sec
Chụp một dòng nước đang chảy nhanh với tốc độ màn trập dài sẽ giúp bạn tạo một loại hiệu ứng hình ảnh không thể thấy trong thực tế. Tốc độ màn trập dài sẽ giúp cho những dòng nước di chuyển và tạo hiệu ứng nhoè, khiến cho chúng trở nên rất mềm mại và dịu dàng.
– Chụp mặt nước với hiệu ứng mềm mại 0.5 – 5 sec
Làm nhoè hay làm mờ mặt nước là một yếu tố quan trọng khi chụp cảnh biển. Khi chụp biển, đại dương, hồ hay sông suối, những dòng nước chảy với tốc độ bình thường và không quá nhanh, bạn sẽ cần một tốc độ chậm và dài hơn (so với chụp thác nước) để tạo ra những hiệu ứng mềm mại tương tự.
– Chụp pháo hoa 2 – 4 sec
Chụp pháo hoa không phải là việc dễ dàng – bạn phải chụp trong đêm, với ánh sáng thi thoảng loé lên trên bầu trời. Lý thuyết ở đây là phải chọn tốc độ màn trập dài tương ứng với toàn bộ thời gian của một phát bắn.
Chụp pháo hoa đòi hỏi phải rất cẩn thận. Nếu bạn chọn một tốc độ quá nhanh, bạn sẽ chỉ thấy những đốm sáng bé loé lên tí hon trên bầu trời đêm, còn nếu bạn chọn một tốc độ quá chậm, bạn sẽ nhận được một bức ảnh dư sáng, nhoè và hiệu ứng không tự nhiên. Theo kinh nghiệm, tốc độ trong khoảng 3 đến 4 giây là hợp lý nhất.
– Chụp sao (Nhiếp ảnh thiên văn) 15 – 25 sec
Với nhiếp ảnh thiên văn, máy ảnh sẽ giúp ta chụp những bức hình không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Bằng cách mở màn trập thật lâu, chúng ta có thể khuếch đại ánh sáng mờ của các vì sao để tạo thành những dải ánh sáng lung linh hiện lên trên bầu trời… nhưng bạn phải căn thời gian thật chính xác.
Nếu bạn chọn một tốc độ quá nhanh, bạn sẽ chỉ thấy những vì sao bé li ti và mờ mịt, còn nếu bạn chọn một tốc độ quá chậm trên 30s, bạn sẽ chụp được sự chuyển động của các vì sao (sao chạy – star trail) do chuyển động của trái đất. Tốc độ màn trập từ 15 đến 25s là hợp lý nhất để các vì sao vừa nét và vừa đủ sáng.
– Chụp ảnh sao chạy – Star Trails – Một tấm hình với 15 phút, hay nhiều tấm gộp lại, mỗi tấm khoảng 30s
Kỹ thuật này giúp bạn tận dụng chuyển động của Trái đất. Với tốc độ màn trập từ 30s trở lên, bạn sẽ nắm bắt được chuyển động của các vì sao.
Kỹ thuật cơ bản là phải chụp với thời gian 15 phút hoặc lâu hơn. Tuy nhiên với thời đại và công nghệ ngày nay, bạn có thể chụp nhiều tấm hình và ghép lại làm một, khoảng 120 tấm mỗi tấm tầm 30s rồi đưa vào Photoshop. Với cách này, bạn có thể tạo hiệu ứng khi chụp bằng một tấm duy nhất với thời gian 60 phút.
Nguồn vsion.vn