Qua bài viết “Vẻ đẹp của Trái Đất qua những bức ảnh chụp từ trên cao“, tự học chụp ảnh sẽ gửi đến các bạn những bức ảnh được chụp từ trên cao của các địa danh, sa mạc, mỏ,… Những bức ảnh đã ghi lại những hình ảnh khác lạ, thậm chí đáng sợ của trái đất – nơi chúng ta đang sống.
Lấy cảm hứng không gian của những phi hành gia khi họ nhìn về Trái Đất từ vũ trụ, nhiếp ảnh gia Benjamin Grant đã đã cho ra đời cuốn sách “Overview A New Perspective” ghi lại những hình ảnh hoàn toàn khác lạ về thế giới mà chúng ta đang sống.
Ban đầu, những hình ảnh trong cuốn sách được chia sẻ qua Daily Overview – tài khoản Instagram của Benjamin với hơn 40.000 người theo dõi. Benjamin và các bạn của mình đã sử dụng hiệu ứng toàn cảnh để chụp hình ảnh Trái đất từ không gian khiến cho người xem khó có thể rời mắt được.
Khi mới bắt đầu dự án, Benjamin Grant thu thập hình ảnh từ các trang web bản đồ với độ phân giải thấp. Sau đó, anh bắt đầu làm việc trực tiếp với DigitalGlobe – công ty cung cấp cho anh những hình ảnh gốc về vệ tinh. Từ đó, mỗi bức ảnh được tạo thành từ ít nhất 20 bức ảnh nhỏ để cho ra bức tranh bao quát hơn.
Sau 2 năm chia sẻ những bức ảnh thường ngày qua mạng xã hội, Grant quyết định biến nó thành một cuốn sách để có thể truyền tải thông điệp sâu rộng hơn.
“Tôi nghĩ sẽ rất dễ để hiểu được phạm vi của dự án khi bạn xem một cuốn sách, thay vì xem từng bức ảnh riêng lẻ trên mạng xã hội”, Grant cho biết.
Cuốn sách bắt đầu với một chương về sản xuất nông nghiệp, từ những đồi cọ ở Malaysia, những nhà kính sản xuất nhựa ở Tây Ban Nha, cánh đồng rong biển ở Bali đến những khu rừng nhiệt đới bị thay thế bằng các trang trại nuôi gia súc ở Bolivia.
Bên cạnh đó, cuốn sách dành riêng một chương về vấn đề con người đang khai thác cạn kiệt các mỏ tài nguyên hiện nay như mỏ uranium ở Niger, mỏ đồng ở Chile, hay giếng dầu ở Bắc Cực…
Grant cũng không quên dành một chương với tên gọi “Where we go” (Nơi chúng ta sống) để chia sẻ những hình ảnh về các vùng ngoại ô, trại tị nạn và nhà tù. Ngoài ra, còn có một chương là “Where we move” (Nơi chúng ta chuyển đến) mô tả về những bãi đỗ xe, những giao lộ đường cao tốc và cả những bến cảng lớn nhất thế giới.
Ở chương cuối “Where we are not” là những bức ảnh về vùng đất hoang sơ nơi con người chưa từng đặt chân đến.
“Chúng ta không thể biết rằng môi trường tự nhiên sẽ bị hủy hoại như thế nào trong hàng chục nghìn năm tới. Nhưng những bức ảnh sẽ cho thấy điều đó. Khi bạn xem từng chương trong cuốn sách này, bạn sẽ chứng kiến những thay đổi mà con người đã làm đối với tự nhiên chỉ trong vòng vài thế kỷ qua”, nhiếp ảnh gia này chia sẻ.
Thông qua cuốn sách, Grant hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho người xem về môi trường. “Mọi hình ảnh trong cuốn sách, kể cả những nơi con người đã hoặc chưa từng đặt chân đến, đều là hành tinh mà chúng ta đang sống. Đó là thứ duy nhất chúng ta cùng sở hữu, cùng phải hiểu và cùng trân trọng”, Grant nhấn mạnh.
Nguồn genk.vn