Để có thể lấy được những bức ảnh đẹp ta cần khắc phục những tật xấu mà một nhiếp ảnh không nên mắc phải. Tự học chụp ảnh sẽ nên lên đây 8 tật xấu nên bỏ nếu bạn muốn chụp ảnh đẹp. Mong bài viết sẽ giúp bạn cải hiện các tác phẩm của mình.
Bạn tự hỏi vì sao mình chụp mãi mà ảnh vẫn không đủ đẹp? Nếu vậy, chắc hẳn bạn đang vướng phải một trong những thói quen không tốt dưới đây khiến cho việc phát triển kỹ năng nhiếp ảnh của bạn bị trì trệ. Hãy cùng điểm qua một số “tật xấu” không ít những người chụp ảnh gặp phải để nhìn nhận và rút kinh nghiệm cho bản thân nhé:
1. Không thường xuyên mang máy ảnh theo bên mình
“Học phải đi đôi với hành”. Đúng vậy, dù bạn nhồi nhét lý thuyết đến đâu đi chăng nữa, việc không mang theo một chiếc máy để chụp ảnh thì chắc chắn không bao giờ kỹ thuật và kinh nghiệm của bạn được trau dồi cả. Thậm chí thử đặt một trường hợp, nếu đi trên đường bạn bắt gặp một khoảnh khắc rất hay nhưng tiếc thay không có sẵn máy ảnh bên người, bạn sẽ làm thế nào? Ngoảnh mặt bỏ đi và những lần trường hợp sau cũng giống vậy?
Tuy nhiên, từng có câu: “Chiếc máy ảnh tốt nhất là cái luôn bên cạnh bạn”, có thể bạn không mang theo bên mình một chiếc máy ảnh kỹ thuật số hoành tráng, nhưng bù lại chắc bạn cũng có sẵn chiếc smartphone luôn theo bạn đúng không? Vậy lúc này đừng ngần ngại gì cả, rút ngay chiếc smartphone của bạn ra và cố gắng canh bố cục và bắt khoảnh khắc sao cho chuẩn nhất, thói quen này sẽ giúp bạn cải thiện khả năng bố cục cũng như quan sát xung quanh tốt hơn.
Lưu ý đây chỉ là trường hợp dự phòng, tốt nhất chúng tôi vẫn khuyên bạn nếu có một chiếc máy ảnh kỹ thuật số (dù là máy ảnh hàng khủng hoặc một chiếc máy ảnh bỏ túi dạng du lịch), hãy cố gắng nhớ mang theo bên mình vì biết đâu trên đường đi bạn sẽ có những khoảnh khắc cần đến nó và đây chính là cơ hội để bạn cải thiện cả về mặt thao tác nhanh trên máy nữa.
Nếu chiếc máy ảnh quá khổ gây vướng víu và nặng nề cho túi đồ mang theo hàng ngày của bạn, hãy thử mang theo những chiếc máy ảnh compact gọn nhẹ, chúng cũng giúp ích khá nhiều đấy!
2. Ngủ trễ và bỏ quên những khoảnh khắc vào buổi sớm mai
Giấc ngủ là điều mà khó ai có thể cưỡng lại được, nhất là vào những buổi sáng sớm. Hãy thừa nhận với tôi đi, có phải bạn rất hay lười thức dậy vào sáng sớm và thay vào đó là nằm ngủ nướng đến khi chán rồi mới dậy không? Nhưng bạn có biết rằng, phong cảnh khi những tia sáng đầu ngày ló dạng trông rất mê hoặc không?
Nếu không dậy sớm, bạn sẽ chẳng bao giờ đón được những khoảnh khắc thế này.
Chưa kể là sau thời điểm bình minh, những tia nắng vàng ươm xiên qua các kẽ lá, hàng cây, con phố trông rất đẹp và từ đó ta có thể sáng tạo ra rất nhiều thể loại ảnh khác nhau, từ chân dung cho đến ảnh sinh hoạt đường phố. Vì vậy, nếu muốn có được những bức ảnh đẹp, hãy tập thói quen dậy sớm hơn. Đặc biệt nếu bạn đang trong những chuyến du lịch xa, tốt nhất nên thức dậy sớm để có thể ghi lại những khoảnh khắc đẹp tại nơi đó vào những buổi bình minh vì chưa chắc bạn có thể quay lại nơi đây lần tiếp theo và khoảnh khắc đẹp cũng có thể sẽ không xuất hiện lần hai.
3. Lười điều chỉnh thông số cân bằng trắng (White Balance)
Đã là một người chụp ảnh hoặc ít nhất đã có một chiếc máy ảnh trên tay và muốn cải thiện kỹ năng chụp ảnh, hãy tìm hiểu các thông số cân bằng trắng là gì. Tiếp theo đó hãy cố gắng tập làm quen với việc sử dụng nó, mặc dù máy ảnh đều có tính năng tự động cân bằng trắng nhưng chúng ta không nên quá phụ thuộc vào nó hoàn toàn, vì máy móc cũng chỉ là máy móc, sẽ có lúc sai sót xảy ra.
Điều kiện ánh sáng và nguồn sáng ở mỗi địa điểm đều khác nhau, thậm chí thời gian trong ngày cũng cho ra màu sắc ánh sáng khác nhau. Ví dụ như bình minh hoặc hoàng hôn sẽ cho ra ánh sáng vàng, và nếu máy ảnh bạn tự động cân bằng không đúng màu, rất có thể một chiếc áo trắng sẽ cho ra màu vàng hoặc xanh đấy! Ở những trường hợp này, tốt nhất là tự mình điều chỉnh lại thông số cân bằng trắng trong máy trước khi chụp. Nếu bạn là người hay chụp ảnh bằng smartphone thì sao? Đừng lo, vì đa số các mẫu smartphone ngày nay đều hỗ trợ cho người dùng tinh chỉnh White Balance, hãy tìm chúng trong giao diện hoặc trong phần cài đặt nhé!
4. Để bụi bám lên cảm biến ảnh
Bụi bẩn là kẻ thù không đội trời chung của thiết bị điện tử, trong đó có cả cảm biến máy ảnh. Nếu để bụi bám quá nhiều lên cảm biến, chúng ta sẽ thấy “những vật dị hợm” này xuất hiện trên ảnh khiến người xem rất khó chịu. Tất nhiên những hạt bụi này có thể xử lý được bằng phần mềm hậu kỳ (Photoshop hoặc Lightroom….), nhưng sẽ tốn khá nhiều thời gian nếu những hạt bụi xuất hiện nhiều. Vì vậy thay vì tốn thời gian để xóa bụi từng tấm ảnh, hãy vệ sinh máy ảnh mình thường xuyên hơn và lưu ý quá trình thao tác lắp ống kính nên diễn ra nhanh chóng để tránh bụi có dịp ghé vào quá nhiều.
5. Tạm hài lòng với những bức ảnh hiện tại và không màng đến việc tìm những góc mới
Bạn đã có được những tấm ảnh ưng ý trong buổi đi chụp hôm nay chưa? Nếu chưa, hãy tiếp tục tìm kiếm, còn nếu rồi? Hãy nhìn rảo quanh một lần nữa, bạn đã bỏ mất một khoảnh khắc nào không? Bạn đã thử những góc chụp khác chưa? Hãy cố gắng thử hết tất cả có thể, đừng tự hài lòng với mình quá sớm, sáng tạo là điều kiện tiên quyết để có được ảnh đẹp.
6. Quá hời hợt trong công đoạn bố cục khung ảnh
Bên cạnh ánh sáng, bố cục cũng là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên một bức ảnh đẹp. Vì vậy nếu bạn không đầu tư vào bố cục ảnh, điều hiển nhiên là chất lượng sản phẩm của bạn sẽ không được mấy ấn tượng và thậm chí chẳng đọng lại được gì cho người xem. Để có được bố cục tốt hơn, hãy có thói quen xem nhiều ảnh từ các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới như Ansel Adams, Steve McCurry…và học tập từ họ. Bên cạnh đó, bạn nên tập tính kiên nhẫn và tỉ mỉ hơn trong thao tác bố cục, điều này sẽ phần nào giúp ảnh bạn được trau chuốt và đẹp hơn.
7. Mãi loay hoay xem lại ảnh trên màn hình LCD máy ảnh
Không thể phủ nhận việc xem lại ảnh sau khi chụp là điều cần thiết để biết được những tấm ảnh vừa rồi đã ổn hay chưa. Tuy nhiên nếu cứ vừa chụp 1-2 tấm rồi lại cầm máy lên hí hoáy xem ảnh thì chắc chắn rằng các bạn đang tốn khá nhiều thời gian, chưa kể là trong lúc bạn mải xem ảnh thì đã bỏ lỡ biết bao nhiêu khoảnh khắc hay trên phố.
Giả sử bạn là người thích chụp cảnh đường phố, đương nhiên việc sinh hoạt trên phố diễn ra liên tục và chẳng ai dừng lại để chờ cho bạn chụp tấm tiếp theo cả, cho nên thay vì cứ mãi hí hoáy vào màn hình LCD trên máy ảnh hoặc xem ảnh trên điện thoại, hãy cứ tập trung vào việc quan sát xung quanh và chớp lấy khoảnh khắc quý giá trước, còn việc xem lại ảnh cứ để sau khi đã quá đủ lượng ảnh cần thiết.
Mãi hí hoáy với màn hình LCD, liệu bạn có bắt kịp khoảnh khắc này?
8. Không tự tin vào bản thân và chờ người khác đánh giá tấm ảnh nào là đẹp
Thực tế chúng ta ai cũng đôi lúc nghi ngờ vào khả năng của bản thân, và các tay chụp ảnh cũng như thế. Tuy nhiên, đừng để chuyện ngờ hoặc trở thành yếu tố tiêu cực, hãy biến nó thành động lực của bản thân để cải thiện chất lượng của mình hơn nữa.
Đặt trường hợp bạn đang chụp ảnh cho khách hàng, theo lẽ dĩ nhiên lời của khách hàng luôn là tiên quyết. Nhưng trước hết hãy là chính mình đi đã! Hãy tự tin vào những bức ảnh mình chụp ra, nhưng đừng quá tự kiêu, hãy chừa chỗ cho những lời đánh giá của khách hàng (hoặc của bạn bè) và đây sẽ là những góp ý mang tính xây dựng để bạn chụp ngày càng tốt hơn. Và hãy chắc chắn rằng nghe những góp ý chân thành từ đúng người nhé!
Tuấn Lê/Theo Trí Thức Trẻ
Theo genk.vn – Nguồn kenh14.vn