Tìm hiểu thuật ngữ/ký hiệu trên ống kính Canon qua bài viết hôm nay của tự học chụp ảnh nào. Cầm trên tay một chiếc máy DSLR mà bạn lúng túng không hiểu các ký hiệu trên thân máy muốn nói lên điều gì? Để làm chủ chiếc máy & chụp được những tấm hình đẹp cho mình thì hiển nhiên điều trước tiên bạn nên nắm rõ những kiến thức cơ bản về nó.
L (luxury)
Các ống kính có ký hiệu L đều thuộc dòng ống kính sang trọng của Canon cho biết đây là những lens có chất lượng tốt nhất của Canon và được chế tạo phục vụ các đối tượng chuyên nghiệp và các tay chơi sành điệu. Các ống L cho chất lượng ảnh cao, tự động căn nét nhanh, cấu tạo chắc chắn và chịu được thời tiết xấu do có các lớp keo gắn bảo vệ (hầu hết các ống Canon sx sau 1999 đều có keo gắn).
IS (image stablizer)
Ống kính có ký hiệu IS có khả năng chống rung và cho phép chụp ở tốc độ chậm hơn thông thường 2-3 stop. Thậm chí Canon tuyên bố các ống chống rung IS của hãng thế hệ mới nhất cho phép chụp ở tốc độ chậm hơn tới 4 stop. IS là chức năng hết sức quan trọng giúp ảnh không bị mất nét.
USM (ultra-sonic motor)
Các ống kính USM có gắn mô-tơ siêu âm. Đây là điểm quan trọng giúp căn nét tự động nhanh và phục vụ hữu hiệu căn nét hoàn toàn bằng tay.Có hai loại ống USM: một loại có vòng USM chất lượng tuyệt hảo và loại kia là ống micro USM chất lượng kém hơn nhiều. Hầu như tất cả các ống kính L USM đều dùng vòng USM, còn loại không có ký hiệu L, đặc biệt các ống có giá thấp đều sử dụng micro USM.
DO (Diffactive Optic)
Canon có hai loại sử dụng chi tiết thấu kính DO là ống 70-300mm f/4.5-5.6 DO và ống 400mm f/4 DO. Các ống này nhẹ và nhỏ hơn các ống không sử dụng chi tiết thấu kính DO, nhưng có giá rất cao còn chất lượng lại chưa thực sự xứng đáng với giá tiền.
MP-E (macro-photo)
Ống MP-E được thiết kế đặc biệt để chụp marco (chụp phóng đại côn trùng nhỏ như ong, bướm, kiến, v.v…). Các ống có ký hiệu này không có chế độ căn nét tự động (auto-focus). Từ điện tử (electronic) ở đây đề cập đến cơ chế điều chỉnh khẩu độ mở điện tử. Đây là loại ống duy nhất hiện nay có khả năng lấy cận cảnh lên tới tỷ lệ 5:1 mà không cần ống gắn dài và các thiết bị khác. Ống này không có đối thủ của Nikon, Sony và Olympus. Mặc dù vậy, ống này không được liệt vào chủng loại L. Ống này có cấu tạo chắc chắn và chất lượng ảnh chuyên nghiệp. Ống MP-E được thiết kế đặc biệt để chụp marco côn trùng nhỏ ( ví dụ như chụp phóng đại ong bướm, kiến…).
AFD (Auto-Focus Drive)
Một loại mô-tơ bên trong ống kính đời cổ, căn nét chậm và thường có độ ồn lớn.
AF (Auto Focus) Chế độ lấy nét tự động
MF (Manual Focus) Chế độ lấy nét bằng tay
EF (Electro-Focus)
Các ống kính EF có cơ chế căn nét tự động với mô tơ điện tử tinh vi gắn ngay trong ống kính. Tất cả thông tin giữa ống kính và thân máy được thực hiện thông qua các chân tiếp xúc điện tử. Các ống EF của Canon có ngạnh gá phù hợp với tất cả các thân máy dòng EOS của Canon.
EF và EF-S là ký hiệu của các ống kính Canon sử dụng ngàm (hay còn gọi là mount). EOS Electro-Focus được sử dụng từ năm 1987. Các ống kính EF dành cho dòng máy full-frame (5D, 5D MarkII…), trong khi đó ký hiệu EF-S là ống kính được thiết kế cho các máy ảnh có cảm biến nhỏ (crop 1.6x), chữ S có nghĩa là ống kính có tiêu cự ngắn short back focus. Các ống EF-S có phần đuôi nhô sâu hơn, do đó không thể gắn lên các máy full-frame. Ống kính EF-S xuất hiện khoảng từ năm 2003 cùng với máy ảnh 300D & 20D. Nhiều ống EF-S có chất lượng quang học rất tốt nhưng giá lại không cao, phù hợp với người dùng phổ thông.
EF-S (Electro-Focus – Short back focus)
Các ống EF-S được thiết kế dành riêng cho các loại máy ảnh số gắn cảm biến APS-C (Advanced Photo System type-C), ví dụ như chiếc 40D và 400D. Các ống này không thể sử dụng với các thân máy full frame – FF và dòng APS-H do ống có các chi tiết thấu kính có thể làm hỏng gương của thân máy FF. Hơn nữa, khuôn hình chỉ vừa đủ cho các cảm biến APS. Công nghệ thấu kính sau ngắn (S = short back focus) – thấu kính phía sau của ống kính được bố trí gần với cảm biến hơn cho phép sản xuất các ống kính góc rộng, nhẹ và giá thành rẻ hơn.
ED (Extra-low Dispersion)
Thấu kính sử dụng chất liệu kính có độ tán xạ thấp, giúp giảm thiểu hiện tượng sắc sai.
EOS* (Electronic/Electro Optical System)
“Hệ thống quang học điện tử” – Ký hiệu thường thấy trên thân các máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời SLR của Canon. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây chỉ là cách luận từ không chính xác và Canon đặt tên máy SLR theo tên một vị thần bình minh Eos.
FE (Fish Eye)
Ống kính mắt cá của Canon. Nó có tên gọi như vậy vì ảnh chụp ra có hiệu ứng cong như góc nhìn của mắt cá. Đây cũng là loại ống kính có khả năng bao quát trường nhìn cực rộng. Ống fisheye ban đầu được phát triển để sử dụng trong ngành khí tượng thủy văn nhằm theo dõi sự hình thành mây, nên có tên gọi khá phổ biến là ống kính “toàn bầu trời” (whole-sky lens). Loại ống kính này sau đó nhanh chóng trở nên phổ biến trong nhiếp ảnh do những hiệu ứng độc nhất vô nhị mà chúng đem lại. Đặc biệt, thể loại nhiếp ảnh bán cầu (Hemispherical photography) thường hay sử dụng fisheye cho nhiều mục đích khoa học, chẳng hạn nghiên cứu dạng tổng thể của tán cây hay tính toán năng lượng bức xạ mặt trời sát mặt đất.
Ống fisheye thường là ống 1 tiêu cự (fixed lens) nên bạn buộc phải zoom bằng… chân nếu muốn thu gọn đối tượng vào khung hình. Đừng ngại vất vả vì một bức ảnh ấn tượng luôn phải thể hiện được đầy đủ yếu tố của chủ thể cũng như tôn trọng các quy tắc phối cảnh chung. Cũng có khá nhiều ống mắt cá zoom được, chẳng hạn Canon Fisheye 8-15mm… Bạn có thể chọn chúng để dễ dàng hơn khi nhiếp ảnh phong cảnh
Tất cả ống kính tiêu cự rộng có trường nhìn quá 90 độ đều gặp phải hiện tượng méo hình. Tiêu cự càng nhỏ méo hình càng trở nên nghiêm trọng. Do vậy, ngoài khả năng bao quát một khu vực cảnh rộng lớn, ống kính fisheye còn đem lại những hiệu ứng đặc biệt như bẻ các đường thẳng thành đường cong (và ngược lại), hoặc cho ảnh các vật thể không tuân theo tỷ lệ xa gần như nhìn bằng mắt thường.
Lưu ý rằng, thể loại panorama thực hiện trên các thấu kính quay hay bằng cách ghép liên tiếp ảnh không phải là một dạng nhiếp ảnh fisheye dù trường nhìn thu được không hề thua kém. Nên kiểm tra tiêu cự ống kính trước khi chụp. Ống kính fisheye có thể sử dụng như góc rộng khi zoom ra hết cỡ, rất thích hợp để chụp chân dung hoặc một số pha đời thường. Bạn cũng cần lưu ý rằng, dải tiêu cự của ống càng hẹp, ảnh thu được sẽ càng đỡ bị méo. Xét về bản chất vật lý, loại ống kính này có tiêu cự dưới 20 mm và thường được các nhà sản xuất chế tạo theo chuẩn 8, 10, 15 hay 16 mm khi quy đổi trên hệ máy phim 35 mm.
IF (Inner Focus)
Căn nét trong. Các ống IF có cơ chế căn trong đó các thấu kính/ nhóm thấu kính chuyển động bên trong ống khi căn nét, không làm ảnh hưởng tới chiều dài ống khi căn nét (ống không thò ra thụt vào khi căn nét).
SF (Soft Focus)
Ống kính có khả năng căn nét mịn của Canon.
STM (Stepping Motor)
Mô-tơ căn nét thế hệ mới của Canon (ra năm 2012). Theo Canon, công nghệ STM cho phép căn nét êm hơn, mượt hơn và cho phép căn nét liện tục khi sử dụng chức năng quay video trên máy ảnh DSLR.
TS-E (tilt and shift)
Các ống trượt nghiêng cho phép làm chủ chiều sâu và góc máy. Hiện nay chỉ có 3 loại ống TS-E là ống 24mm, 45mm và 90mm. Ống 24mm TS-E là ống duy nhất có ký hiệu L. Các ống kính TS-E này là các ống kính được thiết kế đặc biệt cho chụp kiến trúc nhưng chiếc 24mm có thể sử dụng chụp phong cảnh. Khác với các ống MP-E, đây là các ống không có chế độ căn nét tự động mà chỉ là các ống căn nét tay EF.
Nguồn duytom.com