EOS M3 và EOS M10: Chọn mua máy nào? Cả hai đều thuộc về hãng Canon với giá tầm 10 triệu. Hãy cùng tự học chụp ảnh phân tích về hai chiếc máy ảnh này và xem chiếc máy nào phù hợp nhất với bạn nhé.
Bối cảnh ra đời
Khi mà công nghệ đạt được những bước tiến vô cùng dài, cộng với mức sống của người dân được nâng cao, thì việc sở hữu một chiếc máy ảnh ống kính rời lúc này không còn quá khó khăn như 10 hay 20 năm trước. Tuy nhiên với một chuyến đi du lịch, hay chỉ đơn giản chụp chơi bời nhưng luôn mang máy bên mình, thì những chiếc DSLR truyền thống dường như là quá nặng nề và cồng kềnh. Do đó những chiếc máy ảnh không gương lật sẽ là lựa chọn tối ưu, bởi sự gọn nhẹ, mà chất lượng hình ảnh cũng như tính năng không thua kém DSLR. Và đối với tín đồ của Canon, thì EOS M3 và EOS M10 sẽ được đặt lên bàn cân bởi giá thành cũng như chất lượng mà chúng mang lại.
Cùng ra mắt trong năm 2015, EOS M3 và M10 thể hiện tham vọng của Canon trong phân khúc không gương lật sau một thời gian dài lãng quên, cũng như nỗ lực giành lấy sự tin tưởng của người tiêu dùng sau những “thành tích” đầy “bết bát” với EOS M và M2 kể từ năm 2012. Chiếc EOS M3 được định hướng cho những người đam mê nhiếp ảnh, có hiểu biết cơ bản, với rất nhiều tùy chỉnh giống như những chiếc DSLR EOS dòng xxxD và xxD, có đế flash rời, trong khi đó EOS M10 lại là M3 phiên bản rụt gọn, thiết kế đơn giản đến hết mức có thể, hướng tới đối tượng người dùng là những người mới, có niềm yêu thích với việc chụp ảnh, yêu cầu một chiếc máy thật gọn nhẹ như compact mà vẫn tháo rời ống kính được, không cần quá nhiều tùy biến, cũng như flash rời.
Thông số kĩ thuật của M3 và M10
Qua bảng so sánh trên có lẽ các bạn phần nào nhìn ra sự khác biệt giữa 2 máy rồi phải không? Và giờ hãy cùng đi vào những phân tích sâu hơn về cặp đôi này nào.
So sánh chi tiết
1. Vẻ ngoài
Điều đầu tiên mà tôi muốn nói là nếu như bạn đã từng sử dụng một chiếc compact dòng G (mà cụ thể ở đây là G16), thì chiếc EOS M3 không khác gì chiếc G16 nhưng có thể tháo lắp ống kính tùy ý.
Nếu như bạn nào nâng cấp từ một chiếc G lên M3 thì chắc chắn sẽ nhanh chóng làm quen với máy, vì cả 2 đều thiết kế nút khá giống nhau.
Với những vòng xoay nhanh ở lưng máy, bánh xe bù sáng, đế gắn flash rời thì chúng ta có thể thấy rõ ràng EOS M3 được thiết kế nhắm tới đối tượng khách hàng đã có kinh nghiệm sử dụng máy ảnh ống kính rời, cũng như những người đam mê nhiếp ảnh.
Còn EOS M10 với thiết kế nút đơn giản, khá ít nút, và phần lớn chức năng được đẩy vào trong và phải thao tác qua màn hình, khá giống những chiếc compact IXUS rẻ tiền. Từ đó có thể đoán rằng M10 được thiết kế nhắm tới đối tượng những khách hàng lần đầu tiếp xúc với máy ảnh ống kính rời, nhưng không muốn sở hữu một chiếc DSLR “thô kệch”, bố trí nút khá đơn giản giúp họ không cảm thấy bối rối khi sử dụng, hay những người chỉ muốn chụp ảnh một cách đơn giản, chụp chơi, đưa lên ngắm và chụp, nhưng vẫn đòi hòi chất lượng ảnh phải cao.
Một điểm chung giữa EOS M3 và M10 là cùng được trang bị màn hình lật cảm ứng, điều này thật sự rất có ích khi các bạn thực hiện chụp ở các góc “khác thường” như quá đầu hoặc thấp, thậm chí sát đất. Và hẳn là các chị em sẽ rất thích tính năng này vì chỉ cần lật màn hình lên là selfie được ngay.
Mặc dù vậy, nhưng trong điểm chung lại có một chút khác biệt. Màn hình của EOS M3 có 2 lần khớp, cho phép người dùng linh hoạt hơn như lật lên hoặc lật xuống 180 độ, trong khi đó màn hình của M10 chỉ có một lần khớp và lật lên 180 độ.
Cuối cùng, với việc được xếp “chiếu giữa” nên EOS M3 được thiết kế khá “đầy đặn”, tay cầm được làm gờ lên khá nhiều, giúp cầm nắm trong thời gian dài thoải mái hơn. Trong khi đó, vì ở “chiếu dưới” nên M10 được thiết kế “phẳng”, không có tay cầm sâu ở mặt trước máy. Nếu như bạn không muốn mỏi tay thì chỉ còn cách đeo vào cổ liên tục trong cả chuyến đi mà thôi, dù sao đeo thế vẫn an toàn hơn.
Thêm một điểm vượt trội của M3 khác là Custom Controls
Hình dưới đây có thể đã rất quen thuộc với những bạn nào đã hoặc đang dùng các máy DSLR dòng xxD trở lên. Tuy nhiên với bạn nào chưa biết thì mình sẽ giới thiệu ngắn gọn đây là mục Custom Controls. Tại đây các bạn có thể gán các chức năng khác nhau cho các nút khác nhau, không nhất thiết chỉ có chức năng mặc định sẵn cho nút đó.
Trên EOS M3 có 7 nút có thể gán thêm chức năng, ví dụ như bạn có thể tách chức năng AF khi ấn nửa nút chụp sang cho nút * vốn đang cài đặt khóa sáng.
2. Công nghệ bên trong
Được ra mắt cùng lúc với EOS 750D và EOS 760D (ngày 6-2-2015), và định hướng khách hàng tương tự nên không có gì khó hiểu khi công nghệ của EOS M3 giống hệt bộ đôi DSLR kia. EM10 thì ở một phân khúc thấp hơn.
a. Chip xử lý hình ảnh
Đầu tiên phải kể đến là chip xử lý hình ảnh. Cả EOS M10 và M3 cùng được trang bị bộ xử lý ảnh DIGIC 6, mới nhất của Canon vào lúc đó. DIGIC 6 sẽ cho khả năng khử nhiễu, xử lý lỗi của ống kính như méo hình, quang sai, cũng như chỉnh sửa ảnh JPEG…vượt trội hơn các tiền nhiệm.
b. Cảm biến hình ảnh
Tiếp theo là cảm biến hình ảnh. EOS M3 được trang bị cảm biến CMOS APS-C 1,6x 24,2 megapixel, trong khi M10 lại chỉ có 18 megapixel. Mặc dù lệch nhau 6 mpx, tuy nhiên do chung bộ xử lý nên chất lượng hình ảnh của 2 máy sẽ không sai khác nhiều ở cùng điều kiện chụp đủ sáng và cùng thông số.
Điều đáng nói ở đây là tương tự bộ đôi 750D/760D thì Canon cũng đã cải tiến cảm biến ảnh cho M3 ở điểm tích hợp bộ chuyển đổi tương tự sang số (ADC) lên ngay cảm biến, thay vì đặt rời trên mạch điện tử của máy. Điều này giúp phần nào giảm nhiễu cho bức ảnh của M3 tại các giá trị ISO cao, tránh đến tối đa nhiễu màu, mà giờ đây chỉ là dạng hạt.
c. Dải ISO
Dải ISO của EOS M3 và M10 cùng là 100-12800, mở rộng lên 25600. Dải ISO này quá đủ cho các bạn chụp trong điều kiện “bình thường”, ít nhất là cho tới khi trời nhập nhoạng, và dĩ nhiên nếu không đến mức buộc phải có ảnh mang về thì các bạn không cần thiết phải sử dụng ISO từ 4000 trở lên, vì hình sẽ “nát” dần.
Sau đây là 1 số hình ảnh mình chụp thử tại các giá trị ISO 1600, 3200, 6400 với cả 2 máy (Trên: EOS M10; Dưới: EOS M3)
ISO 800:
ISO 1600:
ISO 3200:
ISO 6400:
Có lẽ không khó để nhận ra rằng khả năng khử nhiễu của M3 tốt hơn M10 đôi chút, vì M10 sử dụng cảm biến kiểu cũ (từ thời EOS 7D năm 2009), trong khi cảm biến ảnh của M3 được cải tiến, giống hệt như EOS 750D/760D. Dĩ nhiên với một chiếc máy được thiết kế nhỏ gọn đến tối đa, thiên về mục đích “chụp chơi” là nhiều thì cũng chẳng có gì để phàn nàn về chất lượng hình ảnh của M10 cả.
d. Hệ thống lấy nét & Tốc độ chụp
Về hệ thống AF, cả 2 đều có 49 điểm AF nhưng phiên bản lại khác nhau. Ở EOS M3 là Hybrid CMOS AF III, trong khi EOS M10 chỉ đến phiên bản II. Về cơ bản nó quá đủ cho nhu cầu “chụp chơi” hoặc chụp chủ thể tĩnh, nhưng nếu bạn yêu cầu cao hơn nữa như chụp chuyển động hoặc chụp thể thao thì đây sẽ là “kèo khó” vì khả năng xử lý và bám chủ thể khá kém, ít nhất phải đến Dual Pixel CMOS AF thế hệ 3 trên EOS M5 hoặc M6 thì mới đủ nhanh cho thể loại này.
Minh họa tính năng touch shutter. Tính năng này xuất hiện kể từ EOS 650D năm 2012.
>> Cách dịch phụ đề tiếng Việt cho mọi video trên Youtube
Nhờ có màn hình cảm ứng mà bạn có thể “chạm-chụp” (touch shutter). Với việc sử dụng nút chụp, vô hình chung bạn sẽ tạo ra rung động đáng kể lên máy, và có rủi ro mờ nhòe, bởi nút bấm luôn có lực kháng. Trong khi kích hoạt touch shutter thì bạn chỉ cần chạm nhẹ vào màn hình, đúng điểm bạn muốn lấy nét, và máy sẽ chụp.
Bộ đôi này có 3 chế độ lấy nét: gồm có Vùng linh hoạt – Đa vùng: máy sẽ chọn 1 hoặc nhiều điểm trong 49 điểm; Vùng linh hoạt – Đơn điểm: mặc định là một điểm ở chính giữa (ô màu cam), hoặc bạn có thể di sang chỗ khác nếu muốn; Và cuối cùng là Manual (hay Quay tay).
Cả 2 máy cùng chỉ có 2 tùy chọn One Shot (chỉ dùng để chụp chủ thể tĩnh, máy lấy nét xong sẽ khóa nét) và Servo AF (dùng để bám chủ thể, chuyên để chụp chủ thể chuyển động). Theo như các trải nghiệm thực tế của mình thì có thể dùng bộ đôi này chỉ có thể chụp chuyển động chậm, dễ đoán trước. Tốc độ chụp tối đa của M3 và M10 lần lượt là 4,6 và 4,2 hình/giây, tuy nhiên khi bộ nhớ đệm đã đầy thì giảm xuống 2,4 và 2,2 hình/giây, thật sự không phù hợp chút nào nếu các bạn muốn chụp…thể thao.
e. Độ thân thiện với người dùng
Độ thân thiện với người dùng lại là một ưu thế khác của EOS M10 so với M3.
Có lẽ do hướng tới đối tượng người dùng yêu cầu chất lượng ảnh cao mà máy lại phải dễ dùng như compact nên EOS M10 có khá nhiều chức năng hỗ trợ người dùng, ví dụ như Creative Assist. Mặc dù là chế độ tự động tuy nhiên máy vẫn để cho bạn chỉnh độ bão hòa màu, độ tương phản tùy ý. Ngoài ra máy còn có khá nhiều các hiệu ứng khác giống như trên điện thoại như Mắt cá, Màu nước, Máy ảnh đồ chơi….
f. Khả năng quay video
Về khả năng quay video, cũng giống như các tiền nhiệm hay các máy DSLR EOS khác thì EOS M3 và M10 đều có thể quay video Full HD đến 30 hình/giây hoặc HD 60 hình/giây. Và dĩ nhiên các bạn có thể tùy chỉnh khẩu, tốc, ISO trong khi quay. Tuy nhiên đáng buồn rằng bộ đôi này không thể quay video HDR giống như 750D/760D.
Demo khả năng quay video của EOS M3.
Cả hai máy đều tích hợp sẵn mic, tuy nhiên với M3 thì bạn có thể gắn thêm mic rời và các phụ kiện khác lên máy qua đế flash rời và cổng cắm mic.
3. Hệ ống kính
Tất cả các máy dòng M đều sử dụng ngàm EF-M, và do cấu trúc máy đặc trưng nên không thể lắp các ống ngàm EF hay EF-S lên. Và thật đáng tiếc là dù Canon đang có những động thái nhằm vực dậy mảng không gương lật vốn đã bị Sony và Fuji đánh cho te tua sau mấy năm, nhưng hệ ống kính vẫn chỉ có 7 ống, bao gồm:
- 11-22mm
- 15-45mm (ống kit thường thấy của M5 và M10)
- 18-55mm (ống kit)
- 18-150mm (ống kit mới ra đời cùng lúc với M5)
- 55-200mm
- 22mm (ống kính một tiêu cự xuất sắc của dòng M).
- 35mm macro (ống kính macro giá rẻ cho dòng M, ra đời cuối năm 2016)
Có thể Canon có những lý lẽ của riêng mình, mà mình đoán là nghiên cứu thêm hệ ống mới sẽ thừa thãi cũng như tốn kém. Và do đó họ đã sản xuất ngàm chuyển EF-EOS M, giúp người dùng có thể gắn tất cả các ống kính EF cũng như EF-S lên máy (khoảng ~200 ống các loại và phiên bản khác nhau, từ 1987 tới nay).
Chắc hẳn sẽ có vài bạn đặt ra câu hỏi rằng: dùng ngàm chuyển thì ảnh có bị giảm chất lượng đi không, có lấy nét chậm đi không? Câu trả lời là không cho việc giảm chất lượng ảnh và có đôi chút cho việc lấy nét chậm đi.
Vì ngàm chuyển chỉ là bộ phận chuyển tiếp giúp bạn lắp ống kính của Canon vào thôi và không có lớp kính nào nên chất lượng ảnh không bị giảm đi. Tuy nhiên, về mặt tốc độ lấy nét thì rất đáng tiếc là nó có làm chậm tốc độ lấy nét đi.
4. Kết nối và chia sẻ ảnh
Với Wi-Fi, NFC mà bây giờ các bạn có thể thiết lập kết nối máy ảnh của mình với nhiều thiết bị khác, ví như nếu bạn cài đặt Canon Camera Connect thì bạn có thể chuyển ảnh từ máy ảnh sang điện thoại ngay, xem lại ảnh trong thẻ nhớ thông qua điện thoại, đồng thời dùng nó làm điều khiển từ xa để chụp ảnh. Hoặc có thể gửi lệnh in đến các máy in của Canon có bộ phận thu tín hiệu Wi-Fi.
Đó là về kết nối không dây. Còn với các kết nối dùng dây thì cả hai đều có cổng dây USB và HDMI. Tuy nhiên, các bạn hãy nhớ một điều: không được nối trực tiếp máy ảnh vào TV hay máy tính bàn, vì điện xuất ngược làm phá hỏng mạch điện tử máy ảnh.
5. Pin, các phụ kiện khác
EOS M3 sử dụng pin LP-E17, chung với EOS 750D/760D (và thậm chí EOS 77D/800D, M5/M6 sau này nữa). Cũng giống như các máy không gương lật khác, thời lượng pin của M3 khá yếu, chỉ tầm 250 tấm trên lý thuyết.
EOS M10 cũng không khá khẩm hơn, tối đa trên lý thuyết cũng chỉ tới 255 hình. Nếu như bạn đi du lịch trong thành phố thì không sao, tối về khách sạn là xong, nhưng chuyện sẽ khó khăn hơn rất nhiều khi bạn đi cắm trại 2-3 ngày, phải suy nghĩ xem có nên chụp hay không…cho đỡ tốn pin, và chuyến đi sẽ trở nên kém vui khá nhiều đấy.
Một vấn đề khác với pin của cả 2 máy này là chúng thực sự vô cùng khó kiếm trên thị trường vào lúc này (thực ra là vẫn tìm mua được, nhưng mới chỉ có pin “zin” mà thôi, giá cũng không hề rẻ), và sẽ rất “đau đầu” nếu như bạn làm mất nó. Có thể bạn không biết rằng trước M10 thì mới chỉ có EOS 100D – chiếc DSLR nhỏ nhất thế giới (và đã dừng sản xuất hơn 2 năm nay) sử dụng pin LP-E12, và dòng máy này đã dừng sản xuất “cách đây cả nghìn năm”.
Về phần phụ kiện thì đầu tiên có thể kể ra ống ngắm điện tử rời. Nếu như bạn không muốn phải nhìn qua màn hình một cách nhàm chán, chả khác gì đang dùng một chiếc compact thì bạn có thể nghĩ tới ống ngắm rời EVF-DC1, có thể gắn vào máy thông qua đế gắn flash rời. Bạn có thể đặt mua ống ngắm này từ hãng, tuy nhiên trong thực tế có rất ít người dùng bỏ thêm tiền để mua thêm phụ kiện này về.
Nếu ống ngắm EVF-DC1 là phụ kiện riêng có của EOS M3 thì M10 lại có “vỏ”. Đây là sản phẩm vô cùng thời trang, được thiết kế bắt mắt, các chị em có lẽ sẽ khó lòng mà cưỡng lại.
EOS M3 hay M10?
Đây là câu hỏi thật sự rất khó để trả lời, vì nó còn phụ thuộc ở nhu cầu, khả năng tài chính, cũng như sở thích của cá nhân. Nếu chỉ đơn thuần bạn muốn chụp chơi, muốn gọn nhẹ hết mức có thể trong chuyến đi chơi xa thì EOS M10 thật sự rất hợp lý, bố trí nút không quá nhiều, không tạo cảm giác bối rối.
Còn nếu như bạn muốn sáng tạo nhiều hơn nữa, chơi đèn, quay video thì EOS M3 sẽ là lựa chọn đúng đắn; chỉ cần bỏ thêm 2,5tr nữa để mua ngàm chuyển, bạn sẽ tận dụng được hết cả rừng ống kính mà Canon đã dày công xây dựng suốt 30 năm qua.
Nguồn 50mm.vn