Không chỉ nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, những người yêu ảnh hẳn không còn xa lạ với loại máy DSLR. Đây là loại máy ảnh thông dụng cho ra những bức ảnh đẹp đầy tính nghệ thuật. Với giá thành không còn quá cao như trước đây, nhiều người yêu ảnh đã có khả năng mua được một chiếc máy DSLR.
Song để việc đầu tư là xứng đáng và hiệu quả, bạn cần biết một số điều về loại máy ảnh này.
Tại sao lại là máy DSLR?
Bạn quyết định mua một chiếc máy ảnh kỹ thuật số mới và xác định là máy DSLR. Nhưng chắc hẳn vô số dòng máy với những chức năng khó hiểu sẽ khiến bạn bối rối khi lựa chọn. Đừng hoảng sợ, bài viết này sẽ giúp bạn chọn một chiếc máy ảnh DSLR phù hợp, dù cho bạn là người đã từng chụp ảnh hay mới lần đầu tiên tìm hiểu về loại máy này.
Trước khi đề cập vào vấn đền chính, ta dừng lại một chút cho câu hỏi nhỏ mà quan trọng: tại sao bạn lại thích máy DSLR trong khi một chiếc máy kỹ thuật số thông dụng nhỏ gọn hơn nhiều mà giá thành rẻ? Câu trả lời có thể được gói gọn trong 2 cụm từ: tính đa năng và chất lượng ảnh.
Tính đa năng không chỉ là bạn có thể thay đổi ống kính và gắn vào các loại phụ kiện – từ những thứ căn bản như flashgun và thiết bị điều khiển từ xa cho đến những phụ kiện chuyên dụng cho phép máy SLR bắt được tất cả mọi vật, từ những con côn trùng bé tin hin cho đến những vì sao xa tít tắp. Tính đa năng còn là sự linh hoạt tiện dụng khi chụp ảnh có được nhờ vào điều khiển cao cấp và các chi tiết chất lượng vượt bậc.
Từ đó nảy sinh cụm từ thứ hai: chất lượng ảnh. Trong một ngày ánh sáng đẹp thì sự chênh lệch giữa một chiếc máy ảnh compact tốt và một chiếc DSLR là không đáng kể; cả hai đều cho ra những bức ảnh sắc nét, màu sắc rạng rỡ mà không cần quá nhiều kỹ năng chụp. Nhưng khi độ khó tăng lên một chút, như chụp ảnh trong ánh sáng yếu, chụp những cử động nhanh trong các môn thể thao hoặc động vật hoang dã, hay là khi bạn muốn thử nghiệm với độ sâu của anh thì rõ ràng máy DSLR với bộ cảm biến rộng và nhạy hơn có ưu thế hơn hẳn.
Hiện tại giá máy đã giảm đi khá nhiều nên việc sở hữu loại máy “cao cấp” này không còn quá khó nữa.
Cơ chế chụp ảnh của máy ảnh DSLR
Thiết kế kỹ thuật cơ bản của DSLR về căn bản là không thay đổi qua nửa thế kỷ nay. “Single Lens Reflex” (phản xạ một ống kính) để chỉ tấm gương di chuyển được, đặt giữa ống kính và phim/sensor để chiếu hình ảnh thấy được qua ống kính lên màn ảnh mờ để người chụp lấy nét.
Hình cắt chiếu ngang trên đây của các thành phần quang học trong một máy ảnh DSLR cho thấy ánh sáng đi qua ống kính (1), bị phản xạ ở mặt gương (2) và chiếu lên màn ảnh mờ (5). Qua thấu kính thu nhỏ (6) và phản xạ bên trong lăng kính năm cạnh ở trên đỉnh (7) ảnh hiện lên ở lỗ ngắm (8). Khi chụp ảnh, tấm gương di chuyển theo chiều mũi tên, màn trập ở mặt phẳng hội tụ (3) mở ra và ảnh được chiếu lên phim hay bộ cảm biến giống hệt như ảnh trên màn ảnh mờ. Với cơ chế này, người chụp ảnh nhìn thấy hình ảnh qua lỗ ngắm giống hệt như hình ảnh trên phim hay bộ cảm biến.
Bạn cần gì?
Đứng trước rất nhiều dòng máy DSLR với đủ loại mức giá, bạn cần suy nghĩ nghiêm túc về việc mình thực sự cần gì ở một chiếc máy ảnh. Bạn muốn sự đơn giản dễ dùng giống như máy compact hay bạn thuộc loại nhiếp ảnh gia muốn tận dụng tất cả các chức năng của chiếc máy ảnh. Có nhiều dòng máy DLSR có các chế độ chụp nhanh trong khi các dòng khác thì không. Bạn có hay chụp ảnh thể thao hay thiên nhiên không? Nếu có thì bạn cần chiếc máy ảnh có tốc độ chụp nhanh và có thể là với khổ sensor nhỏ hơn.
Nếu bạn phải chụp trong ánh sáng rất yếu bạn sẽ cần tìm chiếc máy ảnh có thông số ISO cao và dễ ổn định. Nếu bạn thường xuyên chụp ảnh studio, chân dung hoặc macro, tốt hơn hết là chiếc máy có chức năng ngắm ảnh sống “live view” chất lượng.
Cuối cùng, có rất nhiều băn khoăn rất thực tế, thân máy có khả năng chống mưa chống nắng không? Kích thước và trọng lượng của máy có quan trọng đối với bạn? Bạn có cần các loại ống chuyên dụng và các loại phụ kiện khác?
Không phải hệ thống máy ảnh nào cũng sử dụng chung một loại ống kính và không phải máy ảnh nào cũng tương thích với các loại phụ tùng chuyên dụng.
Cũng đừng quên rằng hầu hết các máy DSLR chấp nhận được nhiều loại ống kính và phụ kiện được thiết kế dành cho máy phim SLR (từ cùng một nhà sản xuất), vì thế nếu bạn có ý định đầu tư nghiêm túc vào một dòng máy phim, bạn cũng có thể tái sử dụng các loại phụ kiện đi kèm khi chuyển sang dùng máy kỹ thuật số.
Kích thước của bộ cảm biến
Trước hết là kích thước của bộ cảm biến (sensor) CCD hay CMOS được dùng để chụp ảnh. Mặc dù sự khác nhau là không nhiều, trên thực tế tất cả các sensor của DSLR đều vừa với 3 loại kích thước (thứ tự thấp dần): Full Frame, APS-C và Four-Thirds. Kích thước sensor không quan trọng như nhiều người nghĩ, nhưng cũng có một số điều cần lưu ý.
Thứ nhất là “crop factor” (hệ số cúp nhỏ). Như lược đồ bên dưới, khi sensor nhỏ hơn thì khu vực nó chụp được cũng nhỏ hơn, kết quả là bức ảnh trông như được chụp với độ dài tiêu cự dài (hơn 1.5 hay 1.6 lần với APS-C, hơn 2 lần với Four-Thirds).
Hệ số cúp nhỏ không phải là vấn đề lớn đối với hầu hết người dùng, trừ một số trường hợp. Nếu bạn mua máy DSLR để thay thế cho dòng máy phim bởi bạn đã có rất nhiều loại ống kính, bạn cần chú ý rằng trừ phi bạn mua máy full frame, tất cả các loại ống kính sẽ cho ra kết quả rất khác nhau trên chiếc máy mới.
Với ảnh chụp từ xa, ống kính sẽ hoạt động hiệu quả hơn. Mặc khác, hệ số cúp nhỏ cũng làm cho ống kính góc rộng không còn có vẻ gì là cho ra góc rộng. Tuy nhiên, có rất nhiên dòng ống kính dành riêng cho máy kỹ thuật số với sensor nhỏ hơn.
3 loại kích cỡ sensor thông dụng nhất: full frame, APS-C và Four-third. Sensor nhỏ hơn sẽ “cúp” cảnh và làm cho ống kính giống như là có tiêu cự dài hơn.
Vậy thì loại nào phù hợp với bạn? Mỗi loại có một ưu điểm và khuyết điểm riêng. Và nếu bạn định xây dựng cả một hệ thống DLSR từ con số không thì bạn không cần phải quá quan trọng vấn đề này.
Khổ DSLR lớn nhất (và cũng đắt nhất) là full frame (được gọi như vậy vì sensor có cùng kích thước với khổ phim 35mm). DSLR với sensor full frame có ống ngắm lớn nhất, sáng nhất vì không có hệ số cúp nhỏ nên thường được chọn bởi các nhiếp ảnh gia nâng cấp từ máy phim SLR và đã có sẵn các loại ống kính góc rộng đắt tiền.
Với các điều kiện tương đồng, sensor càng lớn thì càng cho ra những bức ảnh đẹp trong điều kiện sáng yếu và nhạy cảm. Mặt khác, máy ảnh full frame lại khá to và đắt tiền, vì thế ta chỉ có thể lựa chọn được từ một vài dòng máy. Bạn cũng có thể không có độ dài tiêu cự giống như máy ảnh với sensor nhỏ hơn khi chụp ảnh từ xa.
APS-C hiện tại là khổ thường được dùng nhất, các dòng máy Canon, Nikon, Pentax và Sony đều dùng loại này. Với hệ số cúp nhỏ 1.5x hay 1.6x bạn cần sử dụng ống kính chuyên dụng để có hiệu ứng góc rộng đúng, nhưng nhìn chung thì khổ sensor này sẵn có và rẻ hơn so với full frame. Bộ ống kính dùng cho máy ảnh APS-C tương đối tốt, cho phép zoom xa gần và chụp góc rộng.
Four-thirds là khổ sensor “hoàn toàn kỹ thuật số” được phát triển bởi Olympus và hiện tại được sử dụng trong máy Olympus và Panasonic DSLR.
Không giống các hệ thống khác, Four-Thirds không dựa trên nền tảng máy phim SLR mà sử dụng một loại lens hoàn toàn mới, vì thế tất cả ống kính trong hệ thống đều được thiết kế cho máy kỹ thuật số, làm cho hệ số cúp nhỏ được nhắc đến ở trên không còn hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Với khổ sensor nhỏ nhất, Four-thirds khiến cho máy ảnh và ống kính trở nên tiện dụng hơn. Mặc dù sensor nhỏ trên lý thuyết sẽ làm cho ảnh có nhiều noise (hạt) hơn khi chụp trong điều kiện thiếu sáng và nhạy cảm, trong nhiều trường hợp sự khác biệt không lớn.
Hệ thống chống rung
Chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng hay với lens zoom xa có thể bị nhòe mờ bởi máy ảnh bị dịch chuyển trong lúc phơi sáng (máy ảnh rung). Hệ thống ổn định ảnh (image stabilization) được thiết kế để khắc phục sự chuyển động của máy và giảm thiểu (hoặc loại bỏ hoàn toàn) sự nhòe mờ. Các nhà sản xuất đặt nhiều tên khác nhau cho hệ thống này (“Siêu ổn định”, “Chống rung”, Mega OIS) nhưng đều dựa trên 2 kỹ thuật. IS quang học hoạt động bằng cách di chuyển các phần nhỏ bên trong ống kính và hoàn toàn độc lập với máy ảnh. Sensor shift IS – giống như tên gọi – tự dịch chuyển bản thân sensor.
Kết quả về cơ bản là tương tự, mặc dù sensor IS rõ ràng được đặt trong máy ảnh, vì thế có lợi hơn cho các loại ống kính. Ống kính IS có ưu điểm là ổn định qua ống ngắm cũng như giảm nhòe trong ảnh nhưng nếu bạn định mua nhiều loại ống, bạn sẽ phải trả nhiều tiền hơn vì ống kính ổn định đắt hơn là các loại tương tự không có chức năng ổn định. Hiện tại Sony, Pentax và Olympus đã có loại sensor ổn định, trong khi Canon, Panasonic và Nikon chỉ sản xuất ống kính ổn định.
Tốc độ
Nếu bạn đã quen sử dụng máy ảnh compact để chụp thì bạn sẽ nhận thấy rằng với máy DSLR, dù là dòng bình thường nhất cũng sẽ ngắm và chụp nhanh hơn bất kỳ máy compact nào. Khi lên đến dòng máy đắt hơn thì tốc độ ngắm chỉ tăng lên một chút nhưng sự khác biệt nằm ở tốc độ khung hình, một điều đặc biệt quan trọng với các nhiếp ảnh gia chụp thể thao và động vật.
Hầu hết các máy DSLR hạng trung đều có tốc độ khung hình khoảng 2.5 đến 3 khung hình/giây, đủ dùng với một nhiếp ảnh gia nghiệp dư muốn chụp trẻ con hay động vật đang chạy nhảy. Dòng máy căn bản nhất giới hạn số lượng số khuôn hình trong một lần bấm máy, nhưng điều này không gây khó khăn đối với người dùng bình thường.
Nếu bạn nhất định cần đến tốc độ chụp, không cần quan tâm đến dòng máy thông thường nữa mà hãy lựa chọn máy tầm trung hoặc máy bán chuyên nghiệp. Điểm khởi đầu có thể là 5 khung hình/giây (nếu tiền không thành vấn đề thì Canon EOS 1D Mk IV và Nikon D3s với 10 và 11 khung hình/giây là sự lựa chọn tốt) cho phép bạn chụp được nhiều khung hình hơn trong một lần bấm máy.
Kích thước, trọng lượng và độ bền
Máy ảnh DSLR có rất nhiều kiểu dáng, kích cỡ, từ dòng thấp giống máy compact cho đến dòng chuyên nghiệp to và nặng. Nếu bạn thích chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng, ẩm ướt và bụi bặm thì bạn cần máy DSLR có khả năng chống chọi với thời tiết, với vỏ bọc hợp kim, và có thể là máy ảnh có hệ thống lọc bụi bên trong để giữ cho sensor luôn sạch. Tất nhiên đi kèm với độ bền là giá thành không hề rẻ, dù vậy cũng có nhiều loại máy tầm trung có hệ thống bảo vệ cho bạn lựa chọn.
Mặt khác, nếu bạn thích đi khắp nơi và không thích mang các loại máy móc lỉnh kỉnh treo vào cổ, có lẽ bạn sẽ chú ý đến dòng máy giống máy ảnh compact, gọn nhẹ với ống kính nhỏ, tất cả không quá 1 kg. Loại máy này rất tiện dụng với những người thích đi đây đó với mục đích khám phá là chính.
Màn hình và ngắm trực tiếp
Một trong những đặc điểm chính của máy DSLR là bạn ngắm ảnh bằng cách nhìn qua ống kính dùng để chụp ảnh (bằng cách nhìn qua khung ngắm – viewfinder). Có rất nhiều người dùng chuyển từ máy compact sang máy DSLR vài năm trước đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng họ không được nhìn vào màn hình màu ở đằng sau máy nữa bởi chỉ cách đây vài năm, các dòng máy DSLR chỉ cho ngắm qua kính ngắm. Điều này đã thay đổi khi hiện nay có rất nhiều loại máy có chế độ “ngắm trực tiếp” (Live view).
Ngắm trực tiếp không phải là không có nhược điểm, trong hầu hết trường hợp nó làm giảm tốc độ chụp ảnh. Thiết kế của máy DSLR cho phép tấm gương bên trong thân máy được đẩy lên để ngắm trực tiếp và được hạ xuống để lấy nét hoặc chụp. Một vài dòng máy cho phép lấy nét tự động khi ngắm trực tiếp (không có sự dịch chuyển của gương) nhưng điều này khiến cho tốc độ chụp bị chậm lại. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là Sony, với hệ thống “dual sensor” ngắm trực tiếp, tốc độ chụp đã được cải thiện song lại không mang lại độ phân giải cao trong các bức ảnh chụp bằng ngắm trực tiếp.
Tuy nhiên, ở một mức nào đó thì ngắm trực tiếp vẫn là một công cụ hữu ích. Trong chụp ảnh studio, khả năng phóng to từng phần cho phép lấy nét vào đúng nơi cần lấy nét, và thực tế là việc không phải dí mắt vào khung ngắm sẽ giúp bạn không phải chụp ảnh với các tư thế khó chịu (như là nằm bò trên đất hay đội máy ảnh lên đầu), việc chụp ảnh trở nên dễ dàng hơn.
Một vài loại máy DSLR với màn hình có khớp nối cho phép bạn ngắm tốt hơn trong trường hợp khó cầm máy.
Các đặc điểm hỗ trợ sử dụng
Máy DSLR dòng thấp chủ yếu nhắm đến đối tượng người mới sử dụng và những người không thích máy ảnh compact nên các loại máy DSLR này có nhiều tính năng thân thiện thường gặp trên máy compact (hướng dẫn sử dụng, các chức năng tự động thông minh, nhận diện khuôn mặt…). Mặc dù bất cứ loại máy DSLR nào cũng có thể sử dụng chức năng “point-and-shot” (chụp nhanh), một số loại máy giúp bạn chụp đúng và dễ dàng hơn các loại khác.
Các đặc điểm nâng cao
Tuy tất cả các máy DSLR có chung nền tảng và tính năng, bạn sẽ nhận thấy có rất nhiều đặc điểm và chức năng mà bạn không bao giờ dùng tới. Bạn cũng sẽ thấy rằng càng lên các dòng cao, máy DSLR lại càng cho phép người dùng điều chỉnh các chức năng trong máy. Rất nhiều chức năng chỉ được các tay máy chuyên nghiệp quan tâm đến.
Chế độ quay phim
Cùng với sự xuất hiện của màn hình ngắm trực tiếp, nhiều dòng máy DSLR đã có chế độ quay phim HD. Tất nhiên quay trên máy ảnh thì không thể sánh được với máy quay, nhưng nó cũng rất thuận tiện cho cả người quay nghiệp dư lẫn người làm phim nghiêm túc. Lý do là sensor lớn, cho phép lấy nét với chất lượng ảnh tuyệt hảo, dù trong điều kiện sáng yếu. Tính linh hoạt của nhiều loại lens (từ lens mắt cá cho tới lens zoom siêu xa) mở ra một chân trời mới cho sự sáng tạo.
Ống kính
Mua một chiếc máy DSLR, đối với nhiều người, chỉ là bước khởi đầu trong mối quan hệ lâu dài với loại máy chuyên dụng này, vì thế khi quyết định hãy suy nghĩ thật sáng suốt. Chiếc máy ảnh chỉ là một phần làm nên chất lượng của bức ảnh, phần quan trọng nhất thuộc về lens. Hầu hết người chơi ảnh đều có lựa chọn về lens giống nhau, mỗi loại lens lại có ưu điểm và nhược điểm riêng. Nếu bạn định mua lens hay phụ kiện chuyên dụng, hãy tìm hiểu kỹ trước khi mua.
Đây là dòng máy ảnh không có cấu trúc giống máy ảnh DSLR, không sử dụng gương lật và không có kính ngắm quang học. Máy có kích thước nhỏ gọn như máy compact, không tích hợp khung ngắm, có nhiều chức năng giống máy compact. Loại máy này còn được xem là máy ảnh “lai”, bước đầu thâm nhập thị trường máy ảnh và cũng có nhiều phản hồi tích cực.
Ưu điểm của loại máy này là nhỏ hơn, nhẹ hơn và ít ồn hơn DSLR; dễ dùng, nhiều tính năng tương đồng với máy ảnh compact (ví dụ như nhận diện khuôn mặt); tương thích cao với quay phim; khung ngắm điện tử lớn hơn DSLR dòng thấp; ống kính nhỏ hơn.
Nhưng loại này cũng có một số nhược điểm: ít dòng máy để lựa chọn, số lượng ống kính bị giới hạn, lấy nét tự động chậm; khả năng chụp liên tục không cao, khung ngắm điện tử không trung thực, chụp trong điều kiện thiếu sáng kém.
Nguồn: tổng hợp