Ngay tối nay, tức ngày 31/1/2018, sẽ có một hiện tượng thiên văn mang tầm cỡ thế kỷ diễn ra: Trăng xanh (blue moon), Trăng máu (blood moon) và Siêu trăng (super moon) hội tụ lần đầu tiên sau 150 năm. Đây quả là cơ hội cực hiếm cho các nhiếp ảnh gia yêu thích thiên văn.

Siêu trăng và nguyệt thực toàn phần – sự kết hợp hiếm có trong hàng chục năm.

Mặt trăng chỉ quay quanh Trái đất trong vòng 29,5 ngày, còn các tháng dương lịch lại có 30 – 31 ngày. Điều này dẫn đến sẽ có lúc trong 1 tháng xuất hiện 2 lần trăng tròn, và hiện tượng ấy gọi là trăng xanh.

Nhưng lần trăng xanh này lại xuất hiện cùng với nguyệt thực toàn phần – hiện tượng trăng bị bóng Trái đất che khuất. Nguyệt thực sẽ khiến trăng đổi sang màu đỏ hoặc cam, nên còn được gọi là “trăng máu”.

Đồng thời, mặt trăng lúc này lại có quỹ đạo rất gần với Trái đất, khiến nó trở thành một siêu trăng. Vậy là chúng ta sẽ được chứng kiến cả ba cùng lúc xuất hiện – một hiện tượng chưa từng có trong suốt 150 năm qua. Có người còn gọi tắt nó là… “Siêu trăng xanh máu”.

Người dân ở nhiều khu vực thuộc châu Á, châu Đại Dương và tây bắc châu Mỹ có thể chứng kiến sự kiện hiếm gặp vào cuối tháng 1.

Được biết, những địa điểm lý tưởng để quan sát bộ ba hiện tượng thiên văn lần này nằm về phía Tây Mỹ, và một số khu vực tại Đông Á, Trung Á. Theo dự kiến, nó sẽ xảy ra vào lúc 6h48 tối ngày 31/1 theo giờ Việt Nam, nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể quan sát từ đầu đến cuối.

Hiện tượng “super blood blue moon” có thể quan sát vào ngày 31/1 tại các địa điểm sau: Bắc Mỹ, châu Á, Trung Đông, Nga, Úc. Trong khi đó hiện tượng này sẽ được thấy rõ nhất khi trăng lên vào chiều 31/1 tại Trung Đông, châu Á, Úc, New Zealand và phía Đông nước Nga.

Những địa điểm quan sát tốt nhất ở Mỹ là ở phía Tây - Ảnh: NASA.
Những địa điểm quan sát tốt nhất ở Mỹ là ở phía Tây – Ảnh: NASA.

“Nếu thời tiết thuận lợi, vùng bờ biển phía tây của Mỹ, Alaska và Hawaii sẽ chứng kiến nguyệt thực toàn phần từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, nguyệt thực sẽ khó thấy hơn ở khu vực sử dụng múi giờ miền Đông (gồm vùng đông bắc nước Mỹ). Nguyệt thực bắt đầu lúc 5h51, theo múi giờ miền Đông (tức 17h51 ngày 31/1 theo giờ Việt Nam) khi Mặt Trăng chuẩn bị lặn ở phía tây và bầu trời phía đông bắt đầu sáng lên”, Gordon Johnston, chuyên gia làm việc tại NASA, cho biết.

Theo vnexpress – Nguồn duytom.com