Làm thế nào để đạt được độ nét tối ưu nhất khi chụp phong cảnh, đó là những gì mà tự học chụp ảnh sẽ gửi đến bạn qua bài viết này.
Khi bạn nhìn vào một khung cảnh bằng chính đôi mắt của mình, bạn thấy toàn cảnh đều rất nét và chi tiết (hay trong nhiếp ảnh ta hay gọi là đúng nét, nét toàn dải). Để tạo được độ nét như vậy trong một bức hình chụp không phải là điều đơn giản, việc tinh chỉnh độ nét, chụp sao cho bức ảnh đạt độ nét tối đa sẽ ảnh hưởng khá lớn đến chất lượng của một bức ảnh phong cảnh.
Như vậy, làm thế nào để chụp được bức ảnh có độ nét tối ưu? Trước hết, bạn cần phải hiểu nguyên tắc vận dụng Độ sâu trường ảnh trước đã (Depth of Field – DOF).
ĐỘ SÂU TRƯỜNG ẢNH
Khi bạn đưa máy lên ngắm, lấy nét vào một điểm cụ thể trong khung cảnh, bạn đang tạo ra một mặt phẳng song song với cả cảm biến của máy ảnh. Tất cả những vật ở trong mặt phẳng đó sẽ là nằm trong khoảng nét, còn các sự vật ở phía trước và phía sau mặt phẳng đó sẽ nằm ngoài vùng nét và bị mờ. Mặt phẳng đó là cái chúng ta gọi là Độ sâu trường ảnh. Độ dày của mặt phẳng này sẽ quy định bao nhiêu % của sự vật trong bức ảnh có nằm trong vùng nét hay không.
Ví dụ: trong bức ảnh phía trên, điểm lấy nét ở đây là con ngựa. Mặt phẳng nét ở đây nằm chính vào con ngựa, bạn có thể thấy mọi thứ ở phía trước con ngựa (vùng cỏ) và phía sau (ngọn núi và những con ngựa nhỏ đằng sau) đều nằm ngoài mặt phẳng và như vậy không được nét. Tuy nhiên bạn cần biết, tính từ điểm lấy nét (gọi ở đây là điểm trung gian), độ sâu trường ảnh sẽ được chia ra 1/3 ở phía trước điểm trung gian và 2/3 ở phía sau điểm trung gian, chứ không chia đôi 50-50 vùng nét trước và sau.
CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐỘ SÂU TRƯỜNG ẢNH
Có một số yếu tố ảnh hưởng đến độ sâu trường ảnh. Nếu bạn thấy vùng nét còn quá nhỏ, chưa được như ý, bạn có thể điều chỉnh những yếu tố sau đây để có được vùng nét và chất lượng vùng nét tốt hơn:
– Khẩu độ:
Khẩu độ càng nhỏ thì độ sâu trường ảnh càng lớn.
Ví dụ: Tại f/22 bạn sẽ có độ sâu trường ảnh dày hơn so với f/5.6.
– Khoảng cách tới điểm lấy nét:
Khoảng cách từ ống kính đến điểm lấy nét tăng lên thì độ sâu trường ảnh cũng tăng tương ứng theo tỷ lệ thuận.
Ví dụ: Khi điểm lấy nét của bạn chỉ cách ống kính khoảng 3m thì độ sâu trường ảnh sẽ ít hơn so với điểm lấy nét ở cách 20m, nếu chụp cùng khẩu độ.
– Tiêu cự ống kính:
Tiêu cự càng ngắn, độ sâu trường ảnh càng lớn, một ống kính góc rộng luôn luôn có DOF dày hơn và lớn hơn so với ống kính tele.
Ví dụ: Trong bức ảnh phía trên, độ sâu trường ảnh đã được đẩy lên tối đa. Sử dụng ống kính góc rộng, khẩu độ nhỏ, bức ảnh đạt độ nét toàn cảnh, từ hòn đá ở tiền cảnh đến ngọn núi ở hậu cảnh.
SỬ DỤNG KỸ THUẬT HYPERFOCAL DISTANCE (KỸ THUẬT CĂN SIÊU NÉT)
Kỹ thuật “hyperfocal distance” là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất để đảm bảo mọi sự vật ở trong bức hình đều đạt độ nét tối ưu.
“Hyperfocal distance” giúp bạn tạo ra độ sâu trường ảnh toàn diện, để toàn bộ sự vật từ tiền cảnh đến vô cực đều nằm trong khoảng nét. Nói theo cách đơn giản, để tối ưu hoá độ nét cho khẩu độ và tiêu cự ống kính mà bạn sử dụng, bạn phải căn chỉnh và lấy nét tại điểm gọi là “hyperfocal distance”. Đối với một tiêu cự ống kính, sẽ có những điểm lấy nét tối ưu (hyperfocal distance) ứng với từng khẩu độ, khi sử dụng chính xác, toàn bức hình sẽ hoàn toàn nằm trong khoảng nét.
Vấn đề là phép tính để tính ra được điểm lấy nét tối ưu này không đơn giản chút nào. Tin tốt là có rất nhiều website và app trên điện thoại có thể giải quyết việc này giúp bạn.
Ví dụ: Với bức ảnh trên, nếu như bạn chọn điểm lấy nét nằm trên đường chân trời, kỹ thuật chọn điểm lấy nét tối ưu Hyperfocal distance sẽ cho ra kết quả: khoảng 1/3 bức hình tính từ phía dưới lên đến vô cực sẽ nằm trong khoảng nét (cụ thể là từ mặt hồ đến vô cực). Nói cách khác, bằng việc lựa chọn cẩn thận điểm lấy nét, bạn có thể xác định bao nhiêu phần của bức ảnh nằm trong khoảng nét tối ưu. Nếu bạn muốn lấy hậu cảnh nét nhiều hơn, bạn chọn điểm lấy nét ở phần trên bức hình. Nếu bạn muốn tiền cảnh nét nhiều hơn, bạn chọn điểm lấy nét xuống phía dưới bức hình. Tập luyện nhiều sẽ giúp bạn hiểu kỹ thuật này hơn và làm chủ được độ sâu trường ảnh tốt hơn.
MỘT CÁCH CHỌN ĐIỂM LẤY NÉT TỐI ƯU HYPERFOCAL DISTANCE HIỆU QUẢ
Do độ sâu trường ảnh luôn chiếm 1/3 ở phía trước và 2/3 ở phía sau điểm lấy nét, nhiều nhiếp ảnh gia lựa chọn điểm lấy nét nằm ở vị trí 1/3 trong bố cục khung hình đồng thời sử dụng f/22 để tối đa độ sâu trường ảnh.
Về mặt lý thuyết, đây là một cách hay và sẽ dễ có được độ sâu trường ảnh mong muốn. Tuy nhiên vấn đề ở đây là lựa chọn một khẩu độ quá nhỏ thành ra lại làm giảm độ nét của bức ảnh do hiện tượng tán xạ trên ống kính. Như vậy, sử dụng khẩu độ nhỏ thành ra lại hại nhiều hơn lợi, do độ nét của ống kính không được tối ưu tại f/22. Hiện tượng tán xạ có thể thấy rõ khi soi kỹ bức ảnh, đặc biệt là phần rìa ảnh.
Thay vào đó, hãy cố gắng để chọn khẩu độ hợp lý nhất của ống kính để đạt được hiệu quả tối đa từ ống kính đó. Giá trị khẩu độ này thường khác nhau giữa các ống kính, nhưng đa phần sẽ nằm trong khoảng từ f/8 đến f/11. Như vậy, cách dễ nhất là bạn chọn f/8 hoặc f/11, sau đó chọn điểm lấy nét ở khoảng 1/3 tính từ phía dưới khung hình lên trên. Kết quả thu được sẽ đa phần đạt được độ nét tối ưu, từ rìa cho đến tâm ảnh, từ tiền cảnh cho đến hậu cảnh.
Hy vọng bạn đã nắm rõ hơn về độ sâu trường ảnh và cách thức sử dụng kỹ thuật hyperfocal distance để tối ưu hoá độ nét trong bức ảnh của mình. Bạn có thể download các ứng dụng hỗ trợ xác định hyperfocal distance trên điện thoại của mình để có thể dễ dàng đưa ra các thiết lập như ý. Chỉ cần gõ “hyperfocal” hay “depth of field”/”dof” là một loạt các ứng dụng thích hợp sẽ xuất hiện. Để làm chủ kỹ thuật đương nhiên sẽ phải cần thời gian, nhưng nếu như bạn là người đam mê ảnh phong cảnh, được nhìn thấy ảnh chụp của mình nét hơn mỗi ngày trong khi luyện tập cũng rất thú vị, phải không nào?.
Nguồn vsion.vn