Máy ảnh không gương lật (Mirrorless) được cho là loại máy ảnh của tương lai, sẽ thay thế các máy ảnh DSLR đã được giới chụp ảnh sử dụng trong 2 thập kỉ, nhưng chúng có gì đặc biệt?

EOS R, chiếc máy ảnh không gương lật Full-frame đầu tiên của Canon.
EOS R, chiếc máy ảnh không gương lật Full-frame đầu tiên của Canon.

Trong suốt 2 thập kỉ qua, những chiếc máy DSLR (Digital Single-Lens Reflex) là đỉnh cao công nghệ của ngành nhiếp ảnh. Nhưng nó đang dần được thay thế bởi một sản phẩm mới ‘trẻ tuổi’ và nhiều tính năng hơn, đó chính là máy ảnh không gương lật (Mirrorless).

Nikon Z7, cũng là sản phẩm không gương lật có cảm biến Full-frame đầu tiên của hãng này xuất hiện trên thị trường.
Nikon Z7, cũng là sản phẩm không gương lật có cảm biến Full-frame đầu tiên của hãng này xuất hiện trên thị trường.

Các máy DSLR truyền thống có một miếng gương, khi chưa chụp ảnh sẽ phản chiếu hình ảnh của ống kính lên một ống ngắm quang học. Ngay lúc bấm chụp, kính này sẽ lật lên, cho ánh sáng đi tới cảm biến để thành phần này thực hiện ghi lại hình ảnh. Nhưng như cái tên gợi ý, thì máy ảnh không gương lật không hề có phần kính lật, nên cảm biến hình ảnh và cơ chế xem trước (preview) khung hình trước khi chụp cũng phải được thiết kế lại hoàn toàn.

Cảm biến của các máy không gương lật sẽ luôn nhận được hình ảnh, sẽ sau đó ‘truyền’ tín hiệu hình ảnh này cho màn hình, hoặc kính ngắm điện tử (EVF). Kính ngắm điện tử bản chất cũng là một màn hình, nhưng được đặt trong phần ‘gù’ trên nắp máy giống với DSLR. Cũng vì loại bỏ được một thành phần chiếm nhiều diện tích, nên thông thường máy ảnh không gương lật sẽ nhỏ bé hơn DSLR có cùng cảm biến.

Đa phần các máy ảnh du lịch, và cả Smartphone thực chất cũng là máy ảnh không gương lật. Nhưng khi nói về loại máy ảnh này, mọi người thường chỉ các máy có khả năng thay thế ống kính, nhằm tay đổi tiêu cự và có chất lượng quang học cao hơn.

Máy ảnh không gương lật có nhiều điểm mạnh đã và đang được khai thác. Do kính ngắm điện tử là một thành phần…điện tử, nên người dùng hoàn toàn có thể đặt bất cứ thông tin nào vào, giúp cho việc chụp ảnh và xem thông tin trở nên dễ dàng hơn. Ta cũng có thể đặt chế độ “Live view”, tức là xem trước được hình ảnh cuối cùng sẽ như thế nào. Hơn nữa, ta còn có thể quay video khi nhìn qua kính ngắm điện tử, tăng tính công thái học so với phải nhìn màn hình như DSLR.

Ưu điểm thứ 2 hiện còn đang được khai thác, đó là những gì cảm biến hình ảnh (sensor) có thể làm được. Với máy ảnh không gương lật, cảm biến hình ảnh hoạt động liên tục, gửi một lượng thông tin lớn về chip xử lí. Nhờ vào việc phân tích các thông tin này, mà các hãng có thể gia tăng chất lượng hình ảnh, tốc độ lấy nét và làm được nhiều tính năng đặc biệt hơn nữa trong tương lai.

Một ưu điểm nữa cũng đáng nói đó là khả năng chụp ảnh im lặng (Silent shooting). Các máy ảnh không gương lật có thể áp dụng màn trập điện tử, ‘scan’ hình ảnh một cách độc lập mà không cần sử dụng các thành phần vật lí nên hoàn toàn không tạo ra bất cứ tiếng động nào khi chụp một bức ảnh. Các máy DSLR trước đây cũng có chế độ ‘im lặng’, nhưng trên thực tế thì chỉ giảm được phần nào tiếng ồn mà thôi, không hết hoàn toàn được.

Nhưng không phải vì vậy mà loại máy này hoàn hảo. Do được thiết kế nhỏ gọn, nhưng lại hoạt động liên tục nên các máy không gương lật thường có thời lượng pin ngắn hơn so với DSLR truyền thống. Một máy ảnh Sony (thế hệ cũ) sử dụng viên pin FW50 chỉ có thể chụp được hơn 300 tấm, khá tệ so với con số trên 1000 tấm của máy DSLR. Nhưng tình trạng này đã được giải quyết phần nào với việc Sony cùng các hãng khác đang nghiên cứu các loại pin mới, với dung lượng lớn hơn và hoạt động hiệu quả hơn.

Một dẫn chứng cho việc máy ảnh không gương lật đang phát triển nhanh đó là tất cả các hãng máy ảnh lớn trên Thế giới đều đang ra mắt dòng sản phẩm này. Sony đã ‘đi trước đón đầu’ suốt 8 năm qua, và giờ đã có một hệ thống rất đầy đủ từ máy ảnh tầm thấp đến cao, và các ống kính đủ tiêu cự.

Canon, Nikon, Leica, Panasonic và Sigma mới đây cũng ra mắt, hoặc thông báo về việc phát triển những chiếc máy ảnh không gương lật sử dụng cảm biến Full-frame cho riêng mình, bắt đầu cho một ‘cuộc chiến không gương lật’ sẽ rất khốc liệt trong tương lai.

Ta cũng không thể không nói về Fujifilm, tuy không tham gia thị trường cảm biến Full-frame nhưng đã rất thành công với các máy ảnh nhỏ gọn sử dụng cảm biến APS-C (nhỏ hơn Full-frame) và Medium Format (lớn hơn Full-frame), và sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa trong những năm sắp tới.

Máy ảnh Leica SL.
Máy ảnh Leica SL.

Máy ảnh không gương lật thể hiện xu thế chung của Thế giới công nghệ, đó là sử dụng sức mạnh xử lí, sự thông minh của phần mềm để vượt qua các giới hạn về phần cứng, các thành phần vật lí.

Nguồn genk.vn