Bài viết hôm nay, tự học chụp ảnh sẽ giới thiệu một số ống kính có bokeh đặc biệt mà bạn nên biết. Qua đó phần nào sẽ giúp bạn biết thêm những loại ống kính bokeh.
Một trong những lý do chính khiến những ống kính cổ điển mặc dù chất lượng quang học không đạt tới mức hoàn hảo như những ống kính hiện đại nhưng vẫn tồn tại trên thị trường và được khá nhiều người quan tâm là vì khả năng tạo ra những tấm ảnh có đặc điểm riêng rất thú vị, nhất là bokeh.
Bokeh là thuật ngữ dùng để chỉ vùng ảnh nằm ngoài điểm nét. Khi nhắc tới bokeh chúng ta thường nhắc tới độ mịn hay mức độ phân biệt các chi tiết khác nhau và đặc trưng về hình dạng của các chi tiết sáng ở vùng không nét như bokeh “tròn” hay “méo” hay mang các hình dạng đặc biệt. Chất lượng của bokeh phụ thuộc vào chất lượng thấu kính, hình dạng vòng khẩu và việc có hay không bộ lọc làm mịn thiết kế ngay trong ống kính.
Trong chuyên mục này, mình sẽ “điểm mặt chỉ tên” những ống kính cổ điển có bokeh đặc trưng nhất (mặc dù vẫn có ngoại lệ là một vài ống kính hiện đại có bokeh đặc biệt). Mặc dù bokeh có thể thay đổi theo ý người dùng sử dụng một vài mẹo khác nhau, trong bài này mình sẽ chỉ nói tới bokeh vốn có của các ống kính mà không cần tác động thêm từ bên ngoài.
1. Bokeh siêu mịn – các ống kính sử dụng kính lọc làm mịn Apodization
1.1. Minolta (Sony) 135mm f/2.8 STF T4.5 (Smooth Trans Focus)
Đây là ống kính Minolta/Sony ngàm A duy nhất không có AF. Để làm mịn bokeh, Minolta đã lần đầu tiên sử dụng bộ lọc làm mịn Apodization đặt ngay sau lỗ khẩu. Ống kính Minolta STF có 2 vòng khẩu, một vòng 9 lá điều khiển qua máy ảnh ở chế độ ưu tiên khẩu A và một vòng 10 lá khẩu tròn có thể chỉnh được trực tiếp trên ống kính như ý muốn. Do bản chất bộ lọc làm mịn cũng giống như bộ lọc trung tính ND, lượng ánh sáng đi qua ống kính bị giảm nên giá trị T (transmission) của ống kính chỉ đạt T4.5 mặc dù giá trị khẩu độ là f/2.8. Khi xem ảnh sample ở dưới, các bạn để ý vùng bokeh không hiện rõ các hình tròn sáng có viền rõ ràng như khi chụp bằng ống kính bình thường mà thay vào đó các chi tiết hòa lẫn vào nhau làm bokeh rất mịn. Sony cũng chế tạo thêm ống Sony STF135 ngàm giống y như ống kính Minolta nhưng khác hình dáng bên ngoài.
Ảnh sample
1.2. Fujifilm XF 56mm f/1.2 R APD
Năm 2014, lần đầu Fujifilm quyết định sử dụng công nghệ tương tự Minolta STF để chế tạo ống kính XF 56mm f/1.2 R APD, là bản nâng cấp từ ống kính XF 56mm f/1.2 R để tăng chất lượng bokeh. Đây cũng là ống kính AF và là ống kính cho máy ảnh crop APS-C duy nhất hiện nay sử dụng bộ lọc làm mịn APD.
Hệ quả của việc sử dụng bộ lọc này là ánh sáng đi qua ống kính bị giảm nên giá trị T stop của ống kính chỉ tương đương T1.7 và cơ chế lấy nét theo pha không thể sử dụng được, thay vào đó chỉ cơ chế lấy nét theo tương phản được dùng làm tốc độ lấy nét của ống kính chậm hơn bản không có bộ lọc. So với Minolta STF 135mm thì mức độ làm mịn ở ống kính XF 56mm APD không cao bằng.
Ảnh sample
1.3. Laowa 105mm f/2 STF (T3.2)
Với tham vọng của một công ty sản xuất thiết bị quang học đạt được một số thành công ban đầu, năm nay Venus Laowa Optics của Trung Quốc đã ứng dụng công nghệ tương tự Minolta STF 135mm để chế tạo ống kính 105mm f/2 STF (Smooth Trans Focus) có thể dùng cho mọi máy DSLR và không gương lật. Mặc dù mức độ làm mịn của ống kính Laowa không bằng Minolta STF, giá thành thấp hơn và độ nét cao của ống kính này làm ống kính được đánh giá rất cao.
Ảnh sample của Laowa 105mm f/2 STF
2. Bokeh xoáy của ống kính Nga
2.1. Carl Zeiss Biotar và Helios 44-2 58mm f/2
Sau Chiến tranh thế giới lần II, Hồng quân Liên Xô đã mang về từ nước Đức những bản thiết kế ống kính của Carl Zeiss và bắt đầu một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền công nghiệp sản xuất thiết bị quang học của Nga. Máy ảnh Zenit và ống kính Helios, đặc biệt là series ống kính Helios 44 là những cái tên rất thân thuộc với người dùng bình dân, cho tới tận ngày nay. Helios 44-2 58mm f/2 là bản sao của ống kính Biotar 58mm f/2 của Carl Zeiss và với những cải tiến nhất định, chất lượng của nó còn có phần nhỉnh hơn. Đặc trưng của cả Biotar và Helios 44-2 là bokeh xoáy vòng, mặc dù không phải ai cũng thích nhưng nó cũng có những tác dụng nhất định làm nổi bật chủ thể khi được chụp đúng cách. Nên lưu ý là Helios 44-2 chỉ là 1 trong số 8 ống kính của series, bao gồm Helios 44, 44M, 44-2, 44-3, 44M-4, 44M-5, 44M-6, 44M-7 với 2 ống kính đầu tiên cũng như từ bản 44M-5 trở đi, hiệu ứng xoáy không còn rõ ràng (Vsion sẽ có một bài riêng về các ống kính Helios). Helios 44-2 nổi tiếng nhất do số lượng được chế tạo rất nhiều, giá thành rẻ và có mức độ xoáy cao nhất.
Mức độ xoáy bokeh của Helios 44-2 thậm chí còn cao hơn Biotar nhưng về căn bản ảnh chụp từ 2 ống kính này rất giống nhau. Tùy thuộc vào vị trí lấy nét, khoảng cách chủ thể so với hậu cảnh và kích thước cảm biến, mức độ xoáy bokeh của Helios 44-2 có thể khác nhau nên việc hiểu tính chất của ống kính sẽ giúp người chụp làm chủ được hiệu ứng như những ảnh sample dưới đây:
2.2. Helios-103 53mm f/1.8
Nếu bokeh xoáy của Helios 44-2 là quá nhiều đối với bạn, Helios-103 có thể là lựa chọn tốt hơn do mức độ xoáy kém hơn và vùng bokeh ít gây mất tập trung hơn, ngoài ra là mức độ sắc nét ở trung tâm, độ mỏng DOF ống kính này đều nhỉnh hơn. Tuy nhiên, Helios-103 không có liên hệ gì với series Helios-44 mặc dù cũng được sản xuất ở Nga (nhà máy CCCP). Khác với Helios 44, Helios-103 là ống kính dành cho máy Range finder, ngàm Contax RF, nên nếu bạn muốn dùng nó trên máy DSLR hay máy không gương lật thì cần tìm đúng loại ngàm chuyển từ Contax RF sang ngàm bạn cần dùng.
Ảnh sample của Helios-103
Cyclop, Helios-40, Helios 40-2 85mm f/1.5 và Biotar 75mm f/1.5
Khác với trường hợp Helios-103, Helios-40 và 40-2 dành cho các bạn thấy bokeh của Helios 44-2 chưa đủ xoáy hoặc có nhu cầu chụp tiêu cự dài hơn. Cũng như Helios-44, Helios-40 cũng là phiên bản làm theo 1 ống kính Carl Zeiss Biotar (75mm f/1.5). Ra đời từ những năm 1960, Helios-40 ban đầu có thiết kế rất giống Biotar với màu vỏ bạc, ngàm M39, sau đó được nâng cấp lên bản 40-2 (cũng là bản phổ biến nhất hiện nay) với ngàm M42 và sơn màu đen. Ngoài ra Helios 40 còn có một phiên bản dùng làm ống nhòm đêm, tên là Cyclop H3-T, có cùng cấu tạo thấu kính nhưng không hề có lá khẩu hay vòng lấy nét. Gần đây, công ty Zenit đã hồi sinh lại Helios 40-2 với thiết kế mới Helios-40-2-N, ngoài ngàm M42 còn có ngàm Nikon, Canon để phục vụ các máy DSLR, tuy nhiên chất lượng quang học gần như không có gì thay đổi so với các ống kính cũ. Ống kính này khá soft ở khẩu f/1.5 nhưng chỉ cần hạ xuống nửa khẩu là độ nét đã đủ cao.
Ảnh sample của Biotar 75mm f/1.5
Ảnh sample của Helios-40, Helios 40-2
2.3. Lomography New Petzval 85mm f/2.2 và New Petzval Bokeh control 58mm f/1.9
Tiếp tục tìm hiểu về bokeh xoáy, chúng ta không thể không nhắc tới ống kính Petzval, ít nhất là vì giá trị lịch sử của nó. Thiết kế của ống kính Petzval, do nhà toán học – vật lý học người Hungary Jozef Maximilián Petzval thiết kế ra từ đầu thế kỷ 19, là thiết kế ống kính máy ảnh cổ nhất trong lịch sử. Tính đột phá của nó là có thể làm giảm thời gian phơi sáng từ 10 phút xuống 30 giây nhờ thiết kế ống kính khẩu độ lớn. Tuy nhiên, vì là thiết kế sơ khai, ống kính Petzval có nhiều điểm giới hạn như độ phân giải thấp và đặc biệt là độ cong trường nét (field curvature) lớn. Đặc điểm này thay vì trở thành điểm yếu lại được coi như nét độc đáo của ống kính này để tạo hiệu ứng xoáy rất đặc trưng. So với các ống kính Helios, dạng xoáy bokeh của ống Petzval rất đặc trưng và dễ khiến người ta … chóng mặt hơn. Năm 2013, hãng Lomography của Nga đã thử sức “hồi sinh” lại ống kính lịch sử này bằng một dự án Kickstarter và đạt được nhiều sự ủng hộ. Dòng ống kính Petzval này được Lomography gọi là New Petzval.
Ảnh sample Petzval 85mm f/2.2
Tiếp nối thành công của New Petzval 85mm f/2.2, năm 2015 Lomography tiếp tục tìm đầu tư cho ống kính New Petzval 58mm f/1.9 Bokeh control với một chức năng rất thú vị là người chụp có thể kiểm soát được mức độ xoáy của ảnh bằng nút điều khiển ngay trên thân ống kính. Có tới 7 mức xoáy khác nhau trong đó mức 1 xoáy rất nhẹ, có thể phù hợp với nhiều điều kiện chụp và phù hợp với nhiều người hơn.
3. Bokeh giãn hướng tâm của Lensbaby Sweet
Lensbaby là dòng ống kính được sản xuất bởi công ty cùng tên để phục vụ nhiếp ảnh sáng tạo với cách chụp lấy nét chọn lọc (selective focus) có hiệu ứng giống với ống kính nghiêng (tilt). Lensbaby có nhiều loại để tạo các hiệu ứng khác nhau, trong đó có Lensbaby Twist cũng tạo được hiệu ứng giống ống kính Petzval, còn đặc trưng nhất là các ống kính Sweet như Sweet 35, Sweet 50. Sử dụng thân ống kính không gắn liền với phần mount, Lensbaby có thể di chuyển toàn bộ phần thấu kính nghiêng so với mặt phẳng cảm biến để tạo hiệu ứng DOF mỏng và hiệu ứng kéo giãn chi tiết không nằm trong vùng nét.
Ảnh sample
3. Bokeh có hình dạng đặc biệt
Do cấu tạo số lá khẩu mà các ống kính này có thể tạo ra bokeh hình dạng đặc biệt
3.1. Bokeh hình sao
Có một số ống kính có dạng bokeh này, phổ biến nhất phải kể tới Macro Takumar 50mm f/4 (8 cánh), Industar 61 L/Z Macro 50mm f/2.8 (6 cánh) và Volna-9 50mm f/2.8 Macro. Ngay cả Helios-40 khi khép khẩu lại, các lá khẩu cũng tạo thành hình sao 10 cánh.
Video dưới đây sẽ cho bạn thấy bokeh hình sao xuất hiện như thế nào khi thay đổi khẩu của ống kính
Ảnh sample ống Industar 61 L/Z Macro
3.2. Bokeh hình vuông
Do có cấu tạo lỗ khẩu có 2 lá khẩu nên Zenitar-ME1 50mm f/1.7 có thể tạo bokeh hình vuông từ khẩu f/2.8 trong khi vẫn ở dạng tròn ở khẩu lớn nhất. Đây là một trong những ống kính có thiết kế lỗ khẩu khác biệt nhất và theo nhà sản xuất KMZ (Nga) là để tăng độ phân giải và giảm giá thành sản xuất. Zenitar-ME1 vốn được dùng làm ống kit cho máy ảnh Zenit-18. Phiên bản thường Zenitar-M có 6 lá khẩu sau này được sản xuất chính còn Zenitar-ME1 chỉ được sản xuất khoảng 4000 chiếc. Nhờ bokeh đặc biệt, chất lượng quang học cao và hiếm, ống kính này luôn có giá cao hơn hẳn các ống kính 50mm f/1.7 khác.
Ngoài Zenitar-ME1, còn một loại ống kính khác (rẻ tiền hơn nhiều) cũng có lá khẩu hình vuông, đó là ống kính phóng đại (enlarger) Schneider-Kreuznach Componar 50mm f/4.5 và 70mm f/4.5.
Ảnh sample của ống kính Zenitar-ME1
3.3. Bokeh hình tam giác
Đây là dạng bokeh chỉ xuất hiện ở một vài ống kính do Carl Zeiss sản xuất cho máy Rollei (Rollei HFT 85mm f/1.4 và 35mm f/1.4), Arriflex, Contarex Planar T* 85mm f/1.4.
Ngoài ra, dạng hình khẩu này chỉ xuất hiện trong bộ ống kính cine cực hiếm Zeiss Distagon High Speed HS bao gồm các ống cine f/1.2 (T1.4). Trong các ống kính này, dạng khẩu tam giác được tạo thành từ 9 lá khẩu.
3.3. Bokeh hình bánh donut
Nhìn vào bokeh dạng này, chúng ta có thể biết ngay là ảnh được chụp bằng một ống kính gương (mirror lens). Do lợi thế tiêu cự rất xa nhưng cấu tạo nhỏ gọn, ống kính gương, ống kính gương được các nhiếp ảnh gia tự nhiên ưa dùng, với một khuyết điểm là bokeh rất dễ ra dạng bánh donut tròn do cấu tạo vòng gương của ống kính. Mặc dù có một số người thích dạng bokeh này nhưng phần lớn đều hạn chế để nó xuất hiện trong hình. Hình dưới là 3 ống kính gương: Lzos Maksutov 500mm f/6.3, Tamron SP 500mm f/8.0 và Tokina RMC 500mm f/8.0.
Ảnh sample
3.4. Bokeh bong bóng
Dạng bokeh này chắc hẳn rất quen thuộc với nhiều người, nó gắn liền với cái tên Meyer-Optik-Gorlitz Trioplan series V 100mm f/2.8. Trái ngược với bokeh mịn màng, đây là loại bokeh mà viền bokeh sáng lên rất rõ, giống như bong bóng xà phòng (soap bokeh). Tuy nhiên, không phải chỉ có ống Trioplan này có khả năng tạo bong bóng xà phòng mà có khá nhiều ống kính cổ, nhất là với thiết kế triplet có thể tạo hiệu ứng tương tự. Ngoài Trioplan, có vài cái tên khác cũng nổi tiếng như Diaplan 80mm f/2.8 của cùng hãng Meyer-Optik-Gorlitz hay Fujinon 55mm f/2.2 của Fujifilm.
Thật quá đa dạng phải không? Với hiệu ứng bokeh đặc biệt, các bạn có thể khai thác cùng một khung hình theo phương pháp khác nhau và thêm tính thẩm mỹ cho bức ảnh. Tuy nhiên, những hiệu ứng đặc biệt này cũng đi kèm giá thành cao của những ống kính tạo ra chúng, trừ một vài ống kính bình dân như Helios 44-2. Trong bài chuyên mục bokeh sau, Vsion sẽ đề cập tới những kỹ thuật để tạo bokeh đặc trưng mà không cần tới mua các ống kính đắt tiền.
Theo vsion.vn – Nguồn vuanhiepanh.vn