Mua máy ảnh chơi tết, bạn sẽ làm những gì? Qua bài viết này tự học chụp ảnh sẽ đưa ra một số gợi ý và hướng dẫn và kinh nghiệm cho các bạn trong diệp tết này.
Bạn từng mua hoặc sẽ mua một bộ máy ảnh, bạn chuẩn bị và cần làm những điều gì? Rất nhiều bạn mua máy ảnh, phục vụ nhu cầu chụp sinh hoạt gia đình, du lịch hoặc tất cả những gì xảy ra trong cuộc sống hàng ngày, nhưng không có những chuẩn bị hoặc thao tác cần thiết, nên gặp khó khăn. Chúng ta thử liệt kê một số những bước cơ bản cần thiết dành cho người mới bắt đầu. Anh em có kinh nghiệm có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình để được đầy đủ hơn.
1. Sạc pin
Nhiều trường hợp đi đến nơi chụp thì phát hiện pin hết. Luôn chú ý pin phải được xạc đầy trước khi đi ra ngoài chụp hình. Nếu đó là chiếc máy ảnh có pin dung lượng thấp hoặc nhanh cạn pin, nên sắm thêm pin. Một số máy ảnh mirrorless cho phép xạc trực tiếp qua cổng micro USB thì đơn giản hơn, mang theo pin dự phòng.
Nếu cứ nghĩ pin trong máy ảnh còn đầy, thì sẽ có khi ra đến nơi chụp, bạn sẽ phải tìm chỗ xạc. Trước một chuyến đi, kiểm tra pin và nên có pin dự phòng nếu nhu cầu thấy cần thiết.
2. Thẻ nhớ
Không thiếu trường hợp dở khóc dở cười vì máy quên gắn thẻ nhớ, hoặc thẻ nhớ đầy ảnh đã chụp không thể xoá, hoặc thẻ nhớ không đủ dung lượng cho một buổi chụp… Thẻ nhớ gắn vào máy ảnh trước một lần đi chụp luôn trống, dung lượng đủ nhu cầu hoặc cần thiết thì sắm thêm thẻ dự phòng.
3. Format thẻ nhớ
Lý do của việc nên format thẻ nhớ cho mỗi chuyến đi chụp ảnh là:
- Thẻ nhớ trống để sẵn sàng đủ không gian lưu ảnh mới.
- Thỉnh thoảng máy ảnh không đọc / ghi hình vào thẻ nhớ được format bằng thiết bị hay máy ảnh khác.
- Định dạng lại cấu trúc file ảnh tương thích để tránh lỗi ghi hình mà không đọc được hình.
- Nhưng lưu ý chắc chắn hình ảnh trong thẻ đã được chép và lưu trữ trước khi format.
4. Đọc sách hướng dẫn sử dụng
Hộp máy ảnh luôn có cuốn sách hướng dẫn sử dụng máy và chụp ảnh. Nếu không có thì có thể vào trang của hãng để đọc PDF trực tuyến. Rất nhiều người vất cuốn sách này và loay hoay đi hỏi rồi cảm thấy phức tạp trong việc sử dụng thành thạo máy ảnh. Cuốn sách đó hướng dẫn mọi thứ cần thiết cho bạn.
5. Update phần mềm mới nhất
Nhiều trường hợp máy ảnh mới nguyên trong hộp không chạy phần mềm mới nhất của hãng, nên cần kiểm tra sách hướng dẫn hoặc trên mạng xem phần mềm máy đang sử dụng đã là phiên bản tối ưu sau cùng chưa. Thường mỗi lần cập nhật, hãng sửa các lỗi nếu có hoặc tăng thêm xử lý hiệu quả hơn cho hình ảnh. Phần mềm trong máy ảnh có nhiệm vụ xử lý ảnh, quản lý các thiết lập thông số và những tính năng tự động. Các hãng sản xuất luôn nâng cấp phần mềm cho các dòng máy hoàn thiện hơn, nên theo dõi để cập nhật.
6. Dây đeo máy ảnh
Ngoài việc cái dây đeo ở cổ, vai hoặc cổ tay nếu máy nhỏ nhẹ là điều cần, thì khi bạn gắn máy ảnh vào chân máy, nếu trục trặc gì đó mà máy ảnh rơi, thì sợi dây cứu cái máy là trường hợp nhiều người đã kinh nghiệm. Một số bạn không thích dùng dây, thấy nó vướng víu. Mình cũng có thời gian không dùng, có cái túi và lôi ra chụp, rồi bỏ lại vô túi. Nhưng có một lần suýt ngã và máy văng khỏi tay.
7. Túi đựng
Dùng một bộ máy ảnh nhỏ gọn thì dễ dàng vận chuyển hơn, nhưng nếu là một bộ DSLR với vài ống kính, đèn, phụ kiện thì cần cái ba-lô chuyên dùng để đảm bảo an toàn cho thiết bị. Túi hay ba-lô ngoài chức năng chứa đựng thì cấu trúc của nó chống trầy, va chạm nhẹ hoặc chống thấm nước. Sắm vừa kích thước đủ dùng và nên tìm loại tốt nhất có thể.
8. Bộ vệ sinh
Vất máy lăn lốc, bụi bặm dơ bẩn, và có thể dùng bất cứ thứ gì để lau chùi tạo ra trầy xước là điều rất không nên. Ngược lại giữ gìn như bảo vật trân châu chẳng dám dùng thì càng tệ hại. Thật ra có nhiều cách để bảo quản tốt thiết bị chụp ảnh, nhưng nếu có một bộ vệ sinh loại tốt thì bạn sẽ cảm thấy thiết bị của mình giá trị hơn rất nhiều và cũng thể hiện sự yêu cái đẹp hoàn hảo.
9. Thiết lập máy ảnh
Chỉnh diopter: Ở bên cạnh ống ngắm, có vòng chỉnh quang học tuỳ theo thị lực khác nhau. Cái này là đầu tiên, kể cả mượn máy người khác, hay cho người khác mượn khi nhận lại là kiểm tra cái này. Bạn sẽ thấy mờ hoặc rõ khi chỉnh vòng xoay này.
Định dạng ảnh: Nếu bạn có ý định hậu kỳ ảnh nhiều, Raw là chọn lựa tốt nhất để file ảnh có độ bit cao. Dĩ nhiên là file Raw kích thước lớn, đòi hỏi nhiều thời gian và khả năng xử lý của máy. Nếu bạn file Jpeg, là file ảnh nén và đã được “chế biến” phần nào về màu, bạn có thể dùng nó để chia sẻ ngay tức thì. File Jpeg ở phần hậu kỳ không thể sửa được nhiều về màu sắc và ánh sáng. Và, nếu thẻ nhớ có dung lượng lớn, nhu cầu vừa chia sẻ ngay file jpeg và file raw để chỉnh sửa thêm khi về này, tại sao bạn không chọn chụp cả hai file với hai định dạng ảnh? Và, có một số máy ảnh có hai khe thẻ, bạn có thể quy định mỗi khe một định dạng ảnh song song cho mỗi cú bấm máy.
Làm quen với các chế độ đo sáng của máy ảnh. Đo sáng ma trận, trung tâm hay đo sáng điểm, chọn từng chế độ và chụp thử cùng khung cảnh để cảm nhận sự khác nhau.
Làm quen với các chế độ chụp. Thời gian dành cho việc thử nghiệm một số thiết lập là rất quan trọng. Vội vã chưa chắc đã có ảnh ưng ý. Xác định tiêu cự cần chụp, khẩu độ tương ứng với độ sâu trường ảnh mong muốn, iso nào phù hợp, cân bằng trắng để xem tuỳ chọn nào là phù hợp nhất với từng hoàn cảnh … bởi vì cảm quang của máy ảnh luôn có giới hạn. Bạn có thiết lập càng gần chính xác với các thiết lập phù hợp cho hoàn cảnh chụp, cũng có nghĩa bạn biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của thiết bị, làm chủ nó. Đây chẳng phải là cố gắng tìm kiếm một bức ảnh hoàn hảo, mà là những thử nghiệm thiết lập giúp bạn hiểu rõ chiếc máy bạn đang dùng hơn.
Cân bằng trắng tự động và các preset có sẵn. Thường thì máy sẽ mặc định là Auto.
Tìm hiểu cơ chế lấy nét tự động của máy ảnh, có thể có những tuỳ chọn để bạn có thể kiểm soát được việc lấy nét.
Chụp thử các chế độ chụp liên tiếp, hẹn giờ.
Chọn không gian màu phù hợp. Nếu có ý phải hậu kỳ ảnh thì chọn “Adobe RGB”, nếu ảnh dùng ngay hoặc ít chỉnh sửa thì chọn không gian màu “sRGB”
Một số máy ảnh có các chế độ chụp tự động, thậm chí là rất nhiều, nên biết mình đang chọn hay máy đang tự chọn chụp ở chế độ gì.
Tắt tiếng beep hoặc bật nó và ở mức độ âm nào. Khi bấm lấy nét tiếng beep xuất hiện, đôi khi giúp bạn biết máy đã lấy được nét, đôi khi sẽ làm phiền bạn nếu chụp ở môi trường cần tĩnh lặng.
Anh bạn khi chụp hừng đông ở cảng cá Mỹ Tân (Ninh Thuận) xong, cùng mọi người lên đồi cát chụp cảnh. Khi xong ở đồi cát, lên xe và xem lại ảnh trong máy thì hỡi ơi, trắng xoá tất cả. Do vội vàng và bị cuốn hút bởi cảnh, quên điều chỉnh lại ISO trước đó rất cao. Luôn kiểm tra lại các thông số và thiết lập lại trước khi bấm máy, khoảnh khắc qua mất không thể vãn hồi.
10. Thiết lập thời gian cho máy ảnh
Máy mới sẽ cần thiết lập thời gian đầu tiên, bạn có thể bỏ qua thao tác đó, nhưng nên thiết lập. Thời gian trên máy sẽ được ghi vào trong từng bức ảnh bạn chụp.
11. Phụ kiện
Các phụ kiện kèm theo nếu bạn muốn thật sự chơi chụp ảnh tốt dần. Đó là một đầu đọc thẻ, sắp xếp logic lưu ảnh và một phần mềm để xem ảnh hoặc xử lý hình ảnh
Chân máy: Một chân máy nhỏ đủ dùng hoặc lớn nếu có nhu cầu. Chân máy giúp bạn khi chụp tốc độ màn trập chậm, hoặc chụp cố định sự kiện hoặc quay video… Đã nói nhiều về hữu dụng của chân máy. Tuỳ theo ngân sách, và tuỳ theo nhu cầu thực tế, chân máy là phụ kiện phải sắm, càng tốt càng tốt… Có rất nhiều hoàn cảnh phải sử dụng chân máy, có nhiều kỹ thuật chụp đòi hỏi phải gắn máy lên cái chân 3 càng.
Remote: Là thiết bị bấm chụp thay nút bấm trên máy, dùng khi gắn cố định máy vào chân máy và chụp kiểu “phơi sáng” lâu như dòng thác, pháo hoa hay vệt xe chạy, thì remote sẽ giúp không làm rung lắc máy ảnh, độ sắc nét tốt hơn.
Đèn Flash giúp chụp buổi đêm hoặc ngược sáng. Nếu bạn có nhu cầu thì hãy sắm, không thì không cần.
Nguồn vuanhiepanh.vn