Vừa qua, báo tuổi trẻ đưa tin về việc: theo Dự thảo Luật an ninh mạng, Facebook, Google… phải có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam tại Việt Nam và thời gian tới các công ty này có thể rút lui khỏi thị trường. Việc này sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực hiện nay. Với sân chơi nhiếp ảnh, nó sẽ ảnh hưởng như thế nào?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng một số quy định trong Dự thảo Luật an ninh mạng chưa phù hợp về tính thống nhất với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.

Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam có quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.

Theo quy định này, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Như vậy rất có thể Google và Facebook sẽ bị cấm / hoặc tự rút trong thời gian tới do không có đại lý và máy chủ quản lý dữ liệu cũng không nằm ở Việt Nam.

Thực tế hiện nay, sự phụ thuộc của người dùng vào Facebook, Google được thể hiện rất rõ. Hầu hết người dùng Internet tại Việt Nam đều sử dụng ít nhất một dịch vụ do Google cung cấp.

Hơn chục triệu người đang sử dụng các ứng dụng của Facebook. YouTube của Google còn phổ biến hơn nhiều kênh truyền hình tại Việt Nam…

Facebook hay Google đã trở thành những dịch vụ như “cơm bữa” đối với rất nhiều người dân. Với nhiếp ảnh nói riêng, sẽ có những ảnh hưởng hết sức sâu rộng gồm

1. Trước hết là các cửa hàng/nhà phân phối máy ảnh

Hiển nhiên không thể phủ nhận việc gần như 100% các cửa hàng bán máy ảnh hiện nay phụ thuộc lớn nhất là vào Facebook, thứ 2 là Google để marketing và bán hàng. Nếu 2 kênh này rút đồng thời thì chắc chắn các chủ cửa hàng sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và đây sẽ là đòn khá choáng váng vì hiện nay Việt Nam chưa có kênh marketing nào hiệu quả tương tự để thay thế. Các chợ máy ảnh đang hoạt động rất mạnh hiện nay sẽ biến mất và cả người bán lẫn người mua đều sẽ mất phương hướng trong thời gian dài.

2. Những người làm dịch vụ ảnh chuyên nghiệp

Hiện nay đa phần người làm dịch vụ ảnh cưới, chụp sản phẩm, ảnh dịch vụ… đều bắt mối quen biết và khách hàng qua Facebook. Nếu Facebook biến mất thì đương nhiên sẽ có kha khá thợ dịch vụ mất mối làm ăn và thậm chí phải giải nghệ.

3. Những nhiếp ảnh gia nổi tiếng

Nếu không có công cụ mạng xã hội mạnh tương đương thay thế thì những tên tuổi nhiếp ảnh nổi tiếng trên Facebook có thể sớm chìm đi vì theo nguyên lý marketing, để duy trì sự nổi tiếng cần có tương tác hàng ngày. Chỉ cần vài tuần không có tin tức cập nhật mới thì công chúng sẽ quên ngay bạn là ai.

4. Những group nhiếp ảnh lớn

Những sân chơi này cũng sẽ gặp khó khăn vì tất cả mọi liên lạc đều nằm trên Facebook. Cách tốt nhất để tập hợp mọi người lại là thông qua các website nhiếp ảnh lớn và kêu gọi. Tuy nhiên chắc chắn số lượng người sẽ tản mát đi rất nhiều.

5. Những người chơi nghiệp dư

Đây là những người ảnh hưởng ít nhất vì họ chỉ cần tập hợp lại bạn bè thông qua mạng xã hội nào đó là có thể tiếp tục chơi. Tuy nhiên việc chia sẻ thông tin có thể sẽ mất đi đáng kể, không còn nhiều như trước.

Như vậy chúng ta có thể thấy với nhiếp ảnh nói riêng, nếu Facebook hoặc Google rút đi thì chắc chắn cộng đồng sẽ lao đao một thời gian tương đối dài cho đến khi có những mạng xã hội mạnh tương tự thay thế.

Nguồn duytom.com