Ống kính mắt cá là gì? Ống kính mắt cá khác ống kính góc rộng như thế nào? Đó là một số thắc mắc của người mới chơi nhiếp ảnh nói chung và người sử dụng ống kính mắt cá nói riêng. Tự học chụp ảnh xin chia sẻ một số thông tin về ống kính mắt cá dành cho người mới sử dụng.

Ống kính mắt cá là ống kính chuyên dụng, có đặc điểm là có thể chụp được dải rộng hơn rất nhiều so với ống kính góc rộng. Chúng có thể chụp được ảnh với tầm 180 độ, cho phép bạn có được những tấm ảnh có vùng ngoại biên rất méo. Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu về hai loại hiệu ứng ống kính mắt cá, kích thước cảm biến của máy ảnh và độ dài tiêu cự ảnh hưởng thế nào đối với ảnh mắt cá của bạn.

EOS 5D Mark III/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 15mm/ Aperture-priority AE (f/11, 1/320 giây, EV-0,3)/ ISO 400/ WB: Auto.
EOS 5D Mark III/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 15mm/ Aperture-priority AE (f/11, 1/320 giây, EV-0,3)/ ISO 400/ WB: Auto.

Hiệu ứng mắt cá tròn so với mắt cá chéo

Ống kính mắt cá cho phép bạn chụp được tầm rộng hơn rất nhiều đối với cảnh trước mặt bạn so với ống kính góc rộng. Có hai loại hiệu ứng mắt cá có thể có được bằng ống kính mắt cá: hiệu ứng mắt cá tròn và mắt cá chéo. Loại hiệu ứng mắt cá có thể có được trên thực tế phụ thuộc vào kích thước cảm biến của máy ảnh của bạn. Ống kính EF8-15mm f/4L Fisheye USM, một ống kính zoom mắt cá hỗ trợ cả cảm biến full-frame lẫn cỡ APS-C.

Hiệu ứng mắt cá tròn cung cấp góc xem 180 độ ở toàn bộ vùng ngoài biên (ngang, dọc, và chéo) với méo dạng thùng. Hiện tượng tối góc xuất hiện ở các góc của khung hình, dẫn đến hiệu ứng “thị trường hình ống” trong đó cảnh có vẻ như được đặt trong một vòng tròn.

Bạn có thể có được hiệu ứng mắt cá tròn ở độ dài tiêu cự khoảng 8mm khi sử dụng một ống kính mắt cá trên máy ảnh full-frame. Tuy nhiên, trên máy ảnh APS-C, bạn sẽ không thể có được hiệu ứng mắt cá tròn nổi bật ngay cả khi bạn chụp ở 8mm vì độ dài tiêu cự thực tế tương đương phim 35mm của bạn sẽ là 13mm.

Ngược lại, hiệu ứng mắt cá chéo chụp lại một góc xem chéo khoảng 180 độ và vùng ngoại biên của ảnh bị méo rất nhiều. Có thể có được hiệu ứng này ở độ dài tiêu cự khoảng 15mm trên máy ảnh full-frame, và 10mm trên máy ảnh APS-C. Hiệu ứng này cũng được gọi là hiệu ứng “mắt cá full-frame” vì ảnh có được sẽ bao phủ toàn bộ khung hình.

Máy ảnh full-frame + 8mm = Mắt cá tròn

EOS 5D Mark III/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 8mm/ Aperture-priority AE (f/4, 1/3200 giây, EV+0,7)/ ISO 200/ WB: Auto.
EOS 5D Mark III/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 8mm/ Aperture-priority AE (f/4, 1/3200 giây, EV+0,7)/ ISO 200/ WB: Auto.

Ảnh được chụp trên một máy ảnh full-frame với một ống kính mắt cá ở 8mm, ngước lên tâm của nhóm toàn nhà cao tầng. Khi sử dụng hiệu ứng mắt cá tròn, hiện tượng tối góc xuất hiện ở vùng ngoại biên ảnh, do đó cảnh có vẻ nằm trong một vòng tròn.

Máy ảnh full-frame + 15mm = Mắt cá chéo

EOS 5D Mark III/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 15mm/ Aperture-priority AE (f/7,1, 1/100 giây, EV-1,0)/ ISO 800/ WB: Auto.
EOS 5D Mark III/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 15mm/ Aperture-priority AE (f/7,1, 1/100 giây, EV-1,0)/ ISO 800/ WB: Auto.

Ảnh được chụp trên máy ảnh full-frame, ở 15mm với ống kính mắt cá. Những cái cây ở vùng ngoại biên của ảnh bị méo rất nhiều về phía trung tâm bên trên, làm cho chúng trông rất mạnh mẽ và chắc chắn. Để phóng đại thêm hiệu ứng méo và làm cho ảnh có vẻ siêu thực hơn, hãy đặt đối tượng của bạn ở rìa khung hình.

Máy ảnh APS-C + 10mm = Mắt cá chéo

EOS 750D/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 10mm (tương đương 16mm)/ Aperture-priority AE (f/4, 1/20 giây)/ ISO 800/ WB: Auto.
EOS 750D/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 10mm (tương đương 16mm)/ Aperture-priority AE (f/4, 1/20 giây)/ ISO 800/ WB: Auto.

Ảnh này được chụp trên một máy ảnh APS-C với một ống kính mắt cá ở 10mm, dẫn đến hiệu ứng mắt cá chéo với mức méo cao. Nhiếp ảnh gia đến thật gần mép nước, và kết quả là một tấm ảnh nhấn mạnh bản chất hình cầu của Trái Đất.

Ống kính mắt cá và ống kính góc rộng khác nhau như thế nào?

Nói chung, độ dài tiêu cự càng ngắn, ống kính càng dễ gây ra méo ở vùng ngoại biên của ảnh. Tuy nhiên, ống kính góc rộng được thiết kế để giảm méo bằng cách sử dụng một thấu kính chỉnh méo đặc biệt, chẳng hạn như thấu kính phi cầu.

Ngược lại, ống kính mắt cá không giảm méo xuất hiện ở vùng ngoại biên. Bạn có thể tận dụng đặc điểm này để tạo ra ảnh có hiệu ứng méo được phóng đại.

Ống kính mắt cá ở 10mm: Mức méo cao

EOS 750D/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 10mm (tương đương 16mm) / Aperture-priority AE (f/13, 1/320 giây, EV+1,0) / ISO 100/ WB: Auto.
EOS 750D/ EF8-15mm f/4L Fisheye USM / FL: 10mm (tương đương 16mm) / Aperture-priority AE (f/13, 1/320 giây, EV+1,0) / ISO 100/ WB: Auto.

Chụp bằng máy ảnh APS-C ở 10mm (tương đương 16mm) với ống kính mắt cá, dẫn đến méo đường chéo. Mép nước có vẻ bị méo rất nhiều vì hiệu ứng mắt cá, và điều này là rất dễ nhận thấy khi bạn so sánh nó với đường chân trời ở giữa ảnh.

Ống kính góc rộng ở 10mm: Hầu như không méo

EOS 750D/ EF-S10-18mm f/4.5-5.6 IS STM/ FL: 10mm (tương đương 16mm) / Aperture-priority AE (f/13, 1/250 giây, EV+1,0) / ISO 100/ WB: Auto.
EOS 750D/ EF-S10-18mm f/4.5-5.6 IS STM/ FL: 10mm (tương đương 16mm) / Aperture-priority AE (f/13, 1/250 giây, EV+1,0) / ISO 100/ WB: Auto.

Chụp với máy ảnh APS-C ở 10mm (tương đương 16mm) với ống kính góc rộng. Ảnh này được chụp dùng cùng độ dài tiêu cự như ví dụ dùng ống kính mắt cá. Ống kính góc rộng chỉnh méo do đó mép nước vẫn được khắc họa như đường thẳng, được căn theo đường chân trời trong ảnh. Khi bạn so sánh ảnh này với ảnh chụp bằng ống kính mắt cá, bạn có thể thấy rằng ống kính góc rộng chụp lại một dải hẹp hơn và mang lại cảm giác phối cảnh phóng đại hơn.

Gợi ý nhiếp ảnh: Một ống kính mắt cá zoom bạn nên thử!

Ống kính EF8-15mm f/4L Fisheye USM.
Ống kính EF8-15mm f/4L Fisheye USM.

Ống kính này cho phép bạn có được cả hiệu ứng mắt cá tròn lẫn hiệu ứng mắt cá chéo với một chiếc máy ảnh full-frame, và hiệu ứng mắt cá chéo với một chiếc máy ảnh APS-C. Với lớp phủ fluorine, có thể dễ dàng lau bụi bám vào ống kính.

Nguồn snapshot.canon-asia.com