Vừa qua Sony đã chính thức ra mắt mẫu máy ảnh mirrorless A7R Mark III, một “quái vật” fullframe 42.4MP, với khả năng chụp liên tiếp 10fps, hệ thống lấy nét siêu tốc cùng rất nhiều cải tiến khác mà người dùng A7R Mark II đã trông ngóng từ rất lâu. Hãy cùng tự học chụp ảnh tìm hiểu đôi nét về A7R Mark II này nhé.

1. Thiết kế

Sony A7R III có thân máy tương tự A7R II, được tích hợp thêm một số nút bấm như nút chọn điểm lấy nét, AF-On, 2 khe thẻ nhớ SD, khe đồng bộ flash, và quan trọng nhất là viên pin dung lượng cao hơn được “bê” từ Sony A9 sang.

Máy còn có ống ngắm điện tử (EVF) OLED 3.69 triệu điểm ảnh, độ phân giải 1280 x 720 cho hình ảnh hiện ra cực kỳ chi tiết với độ tương phản cao, cùng một màn hình cảm ứng 3-inch có thể hoạt động như một “bàn rê chọn điểm lấy nét (AF Touchpad)” khi đang ngắm qua EVF.

2. Tốc độ

Sony A7R III vẫn được trang bị cảm biến CMOS BSI 42.4MP, tuy nhiên sức mạnh xử lý nay đã khác xưa. Đầu tiên là chip xử lý hình ảnh Bionz X mới nhanh hơn, cùng chip xử lý đầu cuối LSI, cho phép máy xử lý nhiều dữ liệu hơn, ở tốc độ cao hơn.

Sức mạnh xử lý này kết hợp với cơ chế màn trập độ rung thấp giúp A7R III có thể dễ dàng chụp liên tiếp với tốc độ 10fps ở cả hai chế độ màn trập cơ hay màn trập điện tử. Khi chụp ở chế độ liveview thì tốc độ này giảm còn 8fps (tương tự Sony a6500).

Demo: Sony a7R III chụp ở tốc độ 10 fps. Lưu ý rằng các thử nghiệm trên được thực hiện trong tình trạng không có thẻ nhớ trong máy.

Theo Sony thì A7R III có thể chụp liên tiếp 87 tấm hình ở chế độ JPG và 28 tấm ở chế độ RAW. Đặc biệt, nếu bạn sở hữu một chiếc đèn flash có khả năng hoạt động với tốc độ 10fps thì Sony A7R III thực sự là một chiếc camera bạn nên sắm ngay lập tức. Sony cũng cho biết nhờ chip xử lý hình ảnh mới, A7R III sẽ có khả năng theo dõi chủ thể (subject tracking) và Eye-AF nhanh hơn nhiều so với A7R II (dù vẫn chưa thể so được với A9).

3. Khả năng lấy nét

Sony A7R III có 399 điểm lấy nét với hệ thống lấy nét theo pha. Theo Sony xác nhận thì A7R III nhận diện khuôn mặt và mắt người tốt gấp đôi so với đời trước.

Bên cạnh đó, Sony cũng nâng cấp khả năng lấy nét tự động trong điều kiện thiếu sáng trên A7R III, cho phép lấy nét chuẩn xác ở mức -3 EV đối với các lens F2.

4. Chống rung quang học

Như đã nói ở trên, A7R III được trang bị cơ chế màn trập hoàn toàn mới, cho tốc độ màn trập nhanh và độ rung thấp, hạn chế tối đa khả năng bị hiện tượng “shutter shock”, đảm bảo độ sắc nét của hình ảnh ở mức tối đa. Sony cho biết màn trập này có độ bền cực cao, dù họ không nói rõ nó sẽ “tồn tại” được sau bao nhiêu lần bấm máy.

Tương tự dòng OMD của Olympus, Sony A7R III cũng đã được nâng cấp lên hệ thống chống rung 5 trục trên thân máy. Hệ thống chống rung này hoạt động ngay cả trong chế độ quay phim.

5. Khả năng quay phim

Cũng như đời trước, Sony A7R III có thể quay video UHD 4K ở chế độ fullframe, nhưng theo Sony thì chất lượng video sẽ tốt hơn nhiều nếu quay ở chế độ crop Super 35 (mà cụ thể là APS-C). Ở chế độ crop, máy sẽ quay video ở độ phân giải 5176 x 2924, khi hạ độ phân giải xuống sẽ cho ra các đoạn video độ phân giải 3840 x 2160 UHD 4K cực kỳ sắc nét.

Đáng chú ý, A7R III còn có tính năng Hybrid Log Gamma (HLG) vốn từng xuất hiện trên Panasonic GH5, có chức năng thu các đoạn video Log kèm metadata để giúp các màn hình HDR tương thích với HLG có thể hiển thị chính xác màu sắc của các đoạn video quay được mà không cần quá trình hậu kỳ. Khi sử dụng chế độ quay HLG thì màn hình sẽ chuyển qua chế độ Display Assist để hiển thị chính xác những gì máy đang quay.

Bên cạnh đó, Sony A7R III sẽ có thể quay video ở độ phân giải 1080p120 (100 ở chế độ PAL) mà Sony đã phát triển từ A7R II, cùng các chế độ quay nhanh (fast-motion) và chậm (slow-motion). Máy còn có thể quay video XAVC-S Proxy, tức là quay cùng lúc hai đoạn phim:: một đoạn chất lượng cao và một đoạn proxy stream dung lượng nhỏ hơn và dễ chỉnh sửa hơn.

6. Chế độ chụp multi-shot

Đây là một tính năng đã từng xuất hiện trên các máy DSLR của Pentax hay dòng OMD EM1 của Olympus: máy sẽ chụp 4 tấm ảnh và di chuyển cảm biến giữa từng tấm, nhờ đó mỗi pixel trên tấm ảnh cuối cùng nhận được sẽ được chụp với 1 pixel đỏ, 1 pixel xanh dương và 2 pixel xanh lá. Điều này giúp hạn chế tác dụng phụ của bộ lọc màu Bayer, mỗi pixel sẽ chứa đầy đủ các thông số màu sắc.

Tuy nhiên, điểm yếu của A7R III là nó không thể xuất ra hình ảnh cuối cùng ngay trên máy như Pentax hay Olympus, mà phải thông qua một phần mềm xử lý hình ảnh của Sony. Bên cạnh đó, máy phải đợi lần lượt 0.5, 1 hoặc 2 giây mỗi lần chụp để cảm biến có thể di chuyển, khiến việc chụp các chủ thể chuyển động khó khăn hơn.

7. Các tính năng khác

Sony A7R III đã được Sony trang bị tính năng chống nháy (anti-flicker), cùng 2 khe USB (1 USB-C 3.1, và một microUSB). Máy có thể hoạt động ngay cả khi đang sạc, tức là bạn vẫn có thể chụp bình thường thông qua dây cắm USB-C trong khi đang sạc qua cổng microUSB. Máy còn có hai khe microSD, trong đó 1 khe tương thích chuẩn UHS-II và khe còn lại tương thích UHS-I.

8. Thời lượng pin

Sony A7R III sử dụng pin NP-FZ100, cho thời lượng pin tăng gấp 2,2 lần so với A7R II, tức là có thể chụp tối đa 650 tấm thông qua màn hình LCD và tối đa 530 tấm thông qua ống ngắm điện tử EVF. Máy còn có grip pin VG-3EM để tăng thời lượng pin thêm nữa.

Sony A7R III sẽ có mặt trên thị trường vào cuối tháng 11 với giá đề xuất là 3.199 USD (tương đương 72,7 triệu đồng).

Theo Vnreview – Nguồn duytom.com