Bạn đã bao giờ thắc mắc thị giác con người và hình ảnh của máy ảnh: Giống và khác thế nào? Tự học chụp ảnh sẽ giải bày thắc mắc này của bạn qua bài viết hôm nay.

Ngày nay, bất cứ ai cũng có thể cầm một cái máy ảnh lên, rồi bấm một cái, thế là đã tạo ra một hình ảnh có thể nhận dạng được. Trong thực tế, thao tác tạo ra một bức ảnh có vẻ dễ dàng đến mức khiến mọi người nghĩ rằng những bức ảnh chính là thế giới thực được thu nhỏ lại trong bức ảnh được chụp. Và, dĩ nhiên là sự giống nhau đó chính là điều làm cho nhiếp ảnh trở nên phổ biến, người người chụp ảnh, nhà nhà chụp ảnh, hữu dụng và vui vẻ.

Nhưng, nếu xem xét kỹ các bức ảnh thì ta thấy chúng rõ ràng là không hề phản ánh thế giới thực. Những bức ảnh cũng không trình bày sự vật chính xác như mắt chúng ta nhìn thấy.

Vậy, cách chúng ta nhìn sự vật và cách hình thành hình ảnh của cái máy ảnh khác nhau thế nào?

Chúng ta vẫn so sánh mắt người và máy ảnh được xây dựng trên cùng một nguyên tắc. Người ta có thể mô tả cấu trúc cái máy ảnh như cấu trúc con mắt người. Võng mạc là cái cảm biến (sensor), tròng mắt là cái ống kính (lens)… Thế nhưng, thực tế là chúng hoạt động khác hẳn nhau.

– Đôi mắt người không tạo ra một hình ảnh nào trong đầu mà chỉ tạo ra những dạng thức tác động đến hệ thần kinh trong bộ óc. Thị giác của chúng ta là một cặp ống nhòm cho phép ta cảm nhận sự vật theo ba chiều chứ không phải hai. Còn máy ảnh thì sao? Hầu hết chúng chỉ có một ống kính ghi hình duy nhất và chỉ tạo ra được những hình ảnh phẳng hai chiều.

– Mắt người nhìn sự vật theo cái chúng ta cho là màu sắc tự nhiên; còn máy ảnh ghi nhận hình ảnh theo những sơ đồ ba màu cố định hoặc chỉ là đơn sắc (có thể là trắng đen). Bức ảnh chỉ có thể tương cận với cảm giác màu sắc của con người chứ không bao giờ là bản sao y hệt được.

– Mắt người liên tục chuyển động để có thể ghi nhận một tầm nhìn rất rộng. Nhưng vào mỗi thời điểm nhất định nào đó, chúng ta chỉ thấy một phần của tầm nhìn, mỗi phần chỉ thấy được trong tích tắc. Toàn bộ thị giác được dùng để xác định bối cảnh của cảnh vật, tập trung vùng thị giác chính giữa rõ ràng hơn, tập trung vào những khu vực nhỏ nào đó mà chúng ta cảm thấy quan trọng hơn. Trong khi đó, hình ảnh của máy ảnh được tạo ra tức thì. Các thành phẩn của hình ảnh được tạo ra đồng loạt trong một khoảng thời gian ngắn – hay gọi là “khoảnh khắc bấm máy”.

– Khác với mắt người, máy ảnh khi cần thì có thể thu nhận ánh sáng yếu trên cảm biến hay tấm phim cho đến khi đủ tạo ra một hình ảnh có thể lưu giữ được (hay gọi là phơi sáng). Máy ảnh có thể ghi nhận hình ảnh trong tình huống gần như hoàn toàn là bóng tối, tình huống mà mắt người không thể thấy rõ hoặc không nhận dạng gì cả.

– Mắt người chỉ thấy một thành phần đang biến chuyển trong thời gian thực, còn máy ảnh lại có thể lưu giữ mãi một hình ảnh nào đó. Máy ảnh còn có thể kết hợp nhiều ảnh liên tiếp chồng lên nhau để tạo ra một ấn tượng duy nhất. Bằng cách thay đổi thời gian và nhịp độ phơi sáng, máy ảnh không những bắt dừng thời gian (khoảnh khắc tức thì) mà còn có thể nén chặt lại hay mở rộng thời gian trong một khung ảnh. Và như thế, có vô số những bức hình, thế giới hình ảnh khác hẳn mà mắt người chưa từng thấy qua cách sử dụng máy ảnh.

– Máy ảnh cũng không biết phân biệt. Không có sự dẫn dắt của con người thì máy ảnh không biết cái nào là quan trọng trong tầm nhìn của nó. Đây chính là sự khác nhau giữa các người chụp ảnh. Giơ lên bấm một phát, có ảnh. Nhưng nghiêm túc hơn thì phải nhìn nhận rằng: Nếu không có sự điều khiển cố tình, có ý tứ rõ ràng, thì chiếc máy ảnh sẽ thể hiện cả những điều trọng đại lẫn những điều vụn vặt với tất cả sự chính xác và sức mạnh công nghệ như nhau. Sự khác nhau chính là sự chọn lựa của người cầm máy ảnh. Sự chọn lưạ ấy cần đến thị giác là cái giúp ta nhìn cùng với tư duy là cái giúp ta thấy.

Nhìn và thấy là hai việc khác nhau. Nhìn là bản năng sử dụng thị giác. Ai cũng biết nhìn cả! Nhưng thấy bao gồm cả việc nhìn cùng nỗ lực để hiểu biết cái đang được nhìn. Muốn thấy thì cần có một mức độ cảm thông nào đó, một mức độ dò dẫm tìm kiếm trong bất cứ điều gì ta trải nghiệm để có thể nhận ra và hiểu sự việc một cách hữu hiệu. Nên việc thấy đòi hỏi một nhận thức về những thứ đang diễn ra trước mắt, đúng bản chất (essentia) với khả năng trừu tượng hoá của bộ óc mà không dừng lại những mô thể vụn vặt (existance) – nhìn sự vật với một đầu óc vô tư và một đôi mắt trong sáng là vậy!

Quá trình cảm nhận để thấy này là một chuỗi hành động, không phải nỗ lực của ý thức rõ ràng, mà là được chi phối cả toàn bộ giá trị con người đó đã được hình thành, từ thủ đắc nền giáo dục nhân bản, những niềm tin, thành kiến, quan điểm, lập trường và toàn bộ trải nghiệm cuộc sống với người đời & đời người, trong một xã hội cụ thể nào đó. Tất cả sẽ tác động một cách kiểu như tiềm thức đến cách chúng ta cảm nhận sự việc mà ta đang nhìn. Và vì mỗi người có những giá trị khác nhau nên không hề có hai cá nhân lại có cùng cảm nhận sự việc y hệt như nhau bao giờ! Chả bao giờ có hai bức ảnh được nhìn và thấy giống nhau!

Vậy, tuy máy ảnh có khả năng ghi hình mọi sự mọi việc xảy ra trong tầm nhìn của nó với sự nhấn mạnh và rõ ràng như nhau, thì thị giác con người có tính chọn lọc hơn. Chúng ta sẽ chỉ thấy những thứ chúng ta muốn thấy, nhưng thứ chúng ta tâm tư và cho phép thị giác thấy. Để rồi, cái thấy được đó lại thay đổi không ngừng trong quá trình trải nghiệm cuộc đời, những bài học kinh nghiệm mà ta học được từ đời sống. Máy ảnh cuối cùng là một công cụ tuyệt vời để mài sắc cảm nhận của chính con người, mở ra như con mắt thứ ba – con mắt của tâm tưởng.

Ta chụp cái gì mặc kệ, chụp như thế nào mặc kệ, miễn là đừng từ bỏ quyền độc tôn của bản thân để nói điều “nhìn & thấy”, đã cảm nhận và rung động trước nó, để nói điều muốn nói bằng ngôn ngữ hình ảnh. Miễn là ta hiểu rõ, biết rõ tại sao mình làm thế và miễn là bức ảnh của ta phát xuất từ một xác tín vững vàng. Dĩ nhiên là của riêng ta, không phải nhai lại hay lập lại khung ảnh của ai đó. Nếu điều đó có trong bức ảnh chụp của ta, thì dù người xem không đồng ý thì cũng không ai dám hoài nghi con người chụp ảnh và ý nghĩa trong bức ảnh của ta.

Theo tinhte.vn – Nguồn vuanhiepanh.vn