Ngày nay, không chỉ với người tiêu dùng bình thường mà các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng đang dần chuyển sang dùng smartphone thay cho máy ảnh.

Khi Steve Jobs trình làng chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, Richard Koci Hernandez đứng giữa khán giả, đưa tin về sự kiện lịch sử này với tư cách phóng viên của tờ San Jose Mercury News. Hernandez nâng chiếc máy ảnh của mình lên, một chiếc Canon EOD 30D, để chụp ảnh một thiết bị mà sau này đã thay đổi sự nghiệp của ông.

Từ đó tới nay, các bức ảnh của Hernandez được in và đăng trực tuyến cho New York Times, Time và cả WIRED, rất nhiều trong số đó được chụp bằng smartphone. “Thậm chí, một bức ảnh tôi chụp bằng smartphone đã được in trong sách ảnh National Geogarphic và bạn không thể nhận ra khác biệt giữa ảnh tôi chụp bằng smartphone và ảnh chụp bởi máy ảnh chuyên nghiệp”, ông nói.

Ảnh: Richard Koci Hernandez
Ảnh: Richard Koci Hernandez

Hiện tại, Hernandez thường xuyên chụp ảnh bằng Google Pixel, iPhone XS và iPhone SE 2016. Ông vẫn dùng iPhone SE bởi thích sự nhỏ gọn của nó. Theo Hernandez, sự đơn giản của việc nhiếp ảnh bằng điện thoại di động giúp mọi người tập trung nhiều hơn vào khoảnh khắc, chủ đề và câu chuyện, những yếu tối quan trọng nhất của một bức ảnh.

Nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khác cũng chuyển sang dùng smartphone để chụp ảnh giống như Hernandez. Trang WIRED đã phỏng vấn họ để tìm những bí quyết giúp mọi người chụp ảnh đẹp hơn bằng smartphone và các ứng dụng chỉnh sửa ảnh mà họ đề xuất mọi người nên dùng. Điểm mấu chốt là, theo đa số các nhiếp ảnh gia, hãy chọn các công cụ chỉnh sửa phù hợp với bạn, tận dụng ưu điểm của sự tự nhiên và đừng lo ngại ngay cả khi chiếc điện thoại của bạn đã vài năm tuổi. Khả năng chụp ảnh mọi lúc, mọi nơi là lợi thế lớn nhất của smartphone, ngay cả khi nó chỉ là chiếc smartphone cũ.

Đừng bỏ qua những chức năng gốc, cơ bản

Chỉ dựa vào những gì có sẵn trên smartphone của mình bạn đã có thể làm được rất nhiều điều. Trước khi bạn chụp ảnh, hãy nhấp và màn hình để chỉ định đối tượng cần lấy nét trong khung hình. Điều này giúp smartphone điều chỉnh độ phơi sáng và lấy nét xung quanh đối tượng. “Điều này giúp bạn lấy nét chuẩn hơn”, Hernandez nói. “Có nghĩa là mọi thứ trong bức ảnh của bạn đều trông hợp lý hơn”.

Ảnh: Richard Koci Hernandez
Ảnh: Richard Koci Hernandez

Trước khi tải xuống các ứng dụng chỉnh sửa của bên thứ ba, hãy bắt đầu và thuần thục mọi thứ trong ứng dụng camera gốc. Càng ngày, các chức năng chỉnh sửa trong ứng dụng camera gốc càng trở nên tinh vi và toàn diện hơn, đặc biệt là trên các mẫu smartphone Android và iPhone ra mắt gần đây. Các bức ảnh của bạn sẽ được cải thiện đáng kể khi bạn nắm được cơ bản về tinh chỉnh độ sáng và độ tương phản.

Hernandez cũng mặc định tắt đèn flash vì đèn flash trên smartphone có thể bị chói và gây khó chịu. Thay vào đó, hãy cố gắng chọn thời điểm và vị trí để bức ảnh của bạn tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên. “Ánh sáng tự nhiên sẽ giúp bức ảnh chân thực hơn”, ông nói, “và tôi nghĩ rằng nó sẽ mang lại nhiều cảm xúc hơn”. Đèn flash có thể hữu ích trong trường hợp khung cảnh quá tối nhưng trong hầu hết các trường hợp, camera smartphone đã hiện đại hơn, chụp ảnh thiếu sáng tốt hơn và vì thế việc để đèn flash không còn quá cần thiết nữa.

Bên cạnh nâng cấp về phần mềm xử lý ảnh với sự hỗ trợ của AI, phần cứng camera trên smartphone cũng có những bước tiến mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Hiện tại, smartphone đã có tới 2, 3 thậm chí tận 4 camera sau.

Với thiết lập nhiều camera phía sau, smartphone mang lại cho người dùng nhiều khả năng nhiếp ảnh khác nhau. Ví dụ, Galaxy A9 mà Samsung vừa ra mắt có tới 4 camera sau với camera chính 24MP khẩu độ f/2.7, camera chiều sâu 5MP, camera góc siêu rộng 120 độ 8MP và camera 10MP cung cấp khả năng zoom quang học 2x. Với bốn camera này, người dùng sẽ có thể chụp nhiều khung cảnh, góc chụp khác nhau, thay đổi linh hoạt, phù hợp với mọi tình huống trong khi chỉ cần mang theo một chiếc smartphone.

Chỉnh sửa bằng ứng dụng chuyên nghiệp

Khi muốn có một hiệu ứng đòi hỏi nhiều hơn những gì khả năng chỉnh sửa của ứng dụng gốc có thể cung cấp, bạn hãy dùng một trong các ứng dụng được rất nhiều nhiếp ảnh gia đề xuất dưới đây:

– Snapseed (miễn phí trên iOS và Android) cung cấp một bộ công cụ chỉnh sửa đa dạng với giao diện thân thiện, dễ sử dụng. Khi phải chỉnh sửa ảnh chụp bởi chiếc iPhone 7, nhiếp ảnh gia Andrew Kung ở Brooklyn bắt đầu với những chỉnh sửa chi tiết trên Snapseed như độ bão hòa, độ tương phải hoặc thêm những cải tiến cụ thể cho ảnh chân dung. “Nó cung cấp những chỉnh sửa đa dạng và chi tiết”, Kung nói. Thậm chí, Kung còn cho biết rằng Snapseed cung cấp hầu như mọi chỉnh sửa mà anh cần, chẳng kém gì Lightroom và Photoshop trên máy tính và tất cả đều được cung cấp trong giao diện khá trực quan.

– Adobe Lightroom CC (miễn phí trên iOS và Android) là một ứng dụng khác toàn diện không kém. Đây là ứng dụng ưa thích của nhiếp ảnh gia Michelle Groskopf ở Los Angeles. Cô sử dụng Lightroom CC để đáp ứng các nhu cầu đa dạng như tùy chọn độ phơi sáng và khắc phục các vấn đề cụ thể như làm nổi bật khuôn mặt của chủ thể trong ảnh có đèn nền quá chói.

– VSCO (miễn phí trên iOS và Android) có một chút hạn chế về công cụ chỉnh sửa nhưng gọn gẽ và dễ dùng cho các nhiếp ảnh gia mới vào nghề. Với các tùy chọn chỉnh sửa hoàn hảo và những bộ lọc đẹp, VSCO phù hợp với những ai muốn chỉnh sửa ảnh theo kiểu “mỳ ăn liền”.

Kết

Để có những bức ảnh đẹp bạn không cần có camera đắt tiền. Sự nghiệp nhiếp ảnh gia của Kung bắt đầu từ khi còn là sinh viên đại học. Anh chụp ảnh cuộc sống, con người San Francisco bằng chính chiếc iPhone đời đầu. “Đó là một con đường rất khác với những gì các nhiếp ảnh gia nghiêm túc chọn lựa”, anh nói. Tuy nhiên, nó minh họa lợi thế lớn nhất của nhiếp ảnh di động: Đơn giản và dễ tiếp cận. Những chiếc smartphone với khả năng chụp nhanh chóng giúp chúng ta chụp được nhiều ảnh, ở mọi nơi, mọi lúc mà không cần đầu tư phim hoặc các phụ kiện tốn kém.

Đối với Kung, để trở thành nhiếp ảnh gia smartphone trình độ cao bạn phải chụp rất nhiều ảnh và hiểu những thứ thu hút bạn trong những bức ảnh ấy. Anh khuyến khích những nhiếp ảnh gia thực hành chụp ảnh nhiều hơn và tìm hiểu về những điều đặc biệt nhất, những khiến bức ảnh đẹp hơn như ánh sáng, bóng tôi, độ tương phản, chủ thể và sự cân xứng. Và như Hernandez đã nói, chụp ảnh bằng smartphone giúp bạn tập trung tốt hơn vào những điều trên.

Hernandez cũng đề nghị các nhiếp ảnh gia tận dụng lợi thế “tàng hình” của smartphone. Trong khi camera chuyên nghiệp thu hút sự chú ý thì smartphone lại hòa vào không gian một cách dễ dàng. Nhờ điều này, các nhiếp ảnh gia có thể dễ dàng chọn được vị trí độc đáo để chụp và các đối tượng cũng không chú ý tới việc mình đang bị chụp giúp bức ảnh tự nhiên và thú vị hơn.

Cuối cùng Michelle Groskopf nói rằng để chụp ảnh đẹp hơn bạn cần có khả năng nhìn ra khung cảnh đẹp, chọn góc chụp tốt chứ không quan trọng về công cụ chụp. “Máy ảnh tốt nhất chính là máy ảnh bạn đang có trong tay”, Groskopf nói.

Nguồn genk.vn